Trái cây Thái Lan chứa chất độc hại

Mới đây, Thai-PAN, tên viết tắt của Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan, cho biết có đến 57,1% các loại rau quả được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn 'Q' công nhận sản phẩm đạt chất lượng bị phát hiện chứa chất độc hại vượt mức an toàn.

Trong khi từ năm 2014, Thái Lan đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp nhiều rau quả nhất cho VN. Sở dĩ rau quả Thái chiếm được vị trí "quán quân" tại thị trường nước ta nhờ vào sự tin dùng của người tiêu dùng VN.
Người Việt "chuộng" trái cây Thái
Theo Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), từ tháng 8.2014, Thái Lan đã trở thành nhà xuất khẩu rau quả lớn nhất vào VN, chiếm 26,6% thị phần rau, quả ngoại nhập. Còn trong 3 tháng đầu năm nay, rau quả Thái Lan chiếm tới trên 38% thị phần, với kim ngạnh nhập khẩu đạt gần 60 triệu USD, tăng hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 25% thị phần, Mỹ đứng thứ 3 với chưa tới 10% thị phần, còn lại là các nước khác.
Các mặt hàng rau, quả không an toàn
Theo Thai-PAN, các mẫu rau quả không an toàn cụ thể là: 100% mẫu ớt đỏ có dư lượng độc hại vượt tiêu chuẩn; 66,7% mẫu húng quế và đậu đũa, cải ngọt có 55,6%; cải thảo 33,3%, rau muống 22,2%; cà chua và dưa leo 11,1%. Các mẫu trái cây bị nhiễm dư lượng độc hại quá tiêu chuẩn gồm: 100% mẫu cam, ổi; thanh long 71,4%; đu đủ 66,7% và xoài Nam Dok Mai 44,4%.

Dẫn con số này để thấy rằng rau quả Thái Lan nhập vào VN đang áp đảo so với các sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên theo những người trong lĩnh vực này, đây mới chỉ là những con số bề nổi. Cũng như hàng Trung Quốc, rau quả Thái Lan theo đường tiểu ngạch vào VN rất nhiều.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), cho biết mấy năm nay, do lo ngại trái cây Trung Quốc độc hại nên nhiều người chuyển sang ăn trái cây Thái vì cho rằng nó an toàn hơn. Hầu hết trái cây Thái như chôm chôm, sầu riêng, bòn bon, xoài... được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng mà giá cũng không quá cao.
Khảo sát tại TP.HCM, các chợ, các cửa hàng bán trái cây Thái phổ biến là nhãn, măng cụt, bòn bon, me... với giá bán cao hơn hàng nội địa từ 5.000 - 10.000 đồng tùy loại và tùy nơi. Nhìn bề ngoài trái cây Thái to, màu đẹp bắt mắt.
Đánh giá về vị trí quán quân của trái cây Thái trong bản đồ nhập khẩu cũng như trong tâm lý người tiêu dùng, TS Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri), cho rằng: Đúng là có một số loại trái cây của Thái Lan như bòn bon, chôm chôm... chất lượng tốt hơn của ta nhưng không phải loại nào cũng vậy. VN cũng có nhiều loại được đánh giá ngon hơn như sầu riêng, xoài... "Tuy nhiên, công tác quảng bá của người Thái tốt hơn hẳn chúng ta, họ sản xuất quy mô lớn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất tốt nên chi phí thấp, cộng với tâm lý thích hàng ngoại của người Việt, nhất là khi đời sống vật chất tăng lên... khiến hàng Thái được ưa chuộng" - TS Thoại nhận xét.
Trên 57% chứa chất độc hại vượt mức an toàn
Trong khi người tiêu dùng nội địa đang xem rau quả Thái là địa chỉ tin cậy về chất lượng, đặc biệt là an toàn thực phẩm thì mới đây, tờ Bangkok Post dẫn nguồn từ Thai-PAN cho biết: Có đến 57,1% các loại rau, quả được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn “Q” (công nhận là sản phẩm đạt chất lượng) bị phát hiện chứa chất độc hại vượt mức an toàn.
Thai-PAN đã thực hiện “Khảo sát an toàn thực phẩm” trên rau quả tại Bangkok, tỉnh Chiang Mai và Ubon Ratchathani. Họ đã lấy 138 mẫu rau quả tại 3 địa phương này gửi kiểm tra tại một phòng thí nghiệm ở Anh. Phòng thí nghiệm này đã sử dụng phương pháp xét nghiệm đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm tra 450 loại chất độc hại. Kết quả tổng thể cho thấy có đến 46,6% mẫu chứa dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn tiêu chuẩn an toàn. Điều đáng chú ý là trong những mẫu vượt ngưỡng này người ta thống kê có đến 57,1% các loại rau, quả được dán nhãn “Q”.
Đáng chú ý hơn, có đến 25% sản phẩm có giấy chứng nhận thực phẩm hữu cơ (không dùng phân bón hóa học, chất kích thích, bảo vệ thực vật độc hại) cũng chứa dư lượng hóa chất vượt tiêu chuẩn chấp nhận. “Dư lượng của 11 chất cấm đã được tìm thấy trong các mẫu xét nghiệm”, bà Prokchol Ousup, điều phối viên Thai-PAN, cho biết.
Trái cây Thái Lan dẫn đầu phân khúc hàng ngoại tại VN và chứng nhận dán nhãn “Q” của Thái Lan (ảnh nhỏ) Ảnh: Đào Ngọc Thạch - Bangkok Post
Báo cáo mà phòng thí nghiệm ở Anh đưa ra là kết quả của sự phối kiểm vì trước đó Thai-PAN đã gửi mẫu phân tích tại Trường ĐH Mahidol (Thái Lan) thực hiện vào năm 2014. Cả 2 báo cáo phân tích này gần như trùng khớp với nhau. Thai-PAN đã gửi kết quả này đến các hệ thống cửa hàng, Hiệp hội Thị trường tươi sống Thái và các cơ quan chính phủ liên quan.
Thai-PAN cũng cảnh báo thêm: Rau, quả từ các cửa hàng thực phẩm “sang trọng, hiện đại” với giá đắt hơn nhiều so với thị trường cũng không có độ an toàn cao hơn tương ứng. Cụ thể có đến 46% mẫu tại các cửa hàng này vượt mức an toàn so với 48% mẫu vi phạm từ các chợ truyền thống. “Vì sự an toàn của người dân, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã cần cải tổ hoạt động để đảm bảo uy tín trong việc dán nhãn “Q” cho sản phẩm đạt chất lượng”, bà Kingkorn Narintarakul, Phó giám đốc BiO Thái (Tổ chức Thúc đẩy nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực Thái Lan) nói.
Thông tin trên thật sự gây sốc với nhiều người chuộng trái cây, rau củ Thái. TS Võ Hữu Thoại cho rằng, khi có những thông tin như vậy thì cơ quan chức năng phải xác minh và khẩn cấp áp dụng các biện pháp kỹ thuật để thứ nhất là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng VN và bảo vệ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần cung cấp thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng một cách nhanh chóng để mọi người hiểu rằng không phải cứ hàng ngoại là “tốt”.
Ở góc độ khác, một chuyên gia nông nghiệp cho rằng, đây cũng là cơ hội để trái cây Việt lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng nội địa bằng chất lượng, giá cả và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Chỉ dẫn địa chỉ bán nông sản, thực phẩm an toàn
Ngày 5.5, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT họp báo công bố các hoạt động trong Tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn, diễn ra từ ngày 6 - 12.5 tại Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, số 2 Hoàng Quốc Việt, Q.Cầu Giấy.
Dịp này, Bộ NN-PTNT và Báo Nông thôn ngày nay giới thiệu chương trình truyền thông “Địa chỉ xanh - Nông sản sạch” và công bố danh sách 69 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm đầu tiên được chứng nhận và kiểm soát thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Hoàng Phan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.