Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính phản pháo về việc đại diện Bộ này cho rằng “Bộ Công thương được giao chủ trì quyết định” trong việc đưa ra căn cứ tính thuế xăng dầu.
Hai Bộ vẫn tranh cãi về việc Bộ nào chịu trách nhiệm chính, trong khi người tiêu dùng chịu thiệt - Ảnh: N.T |
Cụ thể, theo công văn số 2489 do ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương ký nêu rõ: "Trong cuộc trả lời bản tin Tài chính kinh doanh 21 giờ 30 ngày 21.3, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, khi được phóng viên hỏi trách nhiệm của việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới (từ MFN sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước, đã phát biểu: "Bộ Công thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định" là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai bộ và quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu".
Cũng theo Bộ Công thương, với vai trò phối hợp, liên quan đến chính sách thuế, Bộ Công thương, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần có công văn đề nghị Bộ Tài chính xử lý vấn đề này.
Theo đó, từ năm 2015 đến tháng 3 năm nay, có tới 11 công văn liên quan đến chính sách thuế xăng dầu đã được gửi tới Bộ Tài chính đề nghị xử lý các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là vướng mắc về thuế đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất và ảnh hưởng của các Hiệp định Thương mại tự do. Đây là cơ sở để Bộ Công thương khẳng định: "Như vậy các hoạt động phối hợp về xây dựng chính sách thuế, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương đã tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ".
Bộ này cũng cho rằng, điều 36, điều 40 của Nghị định 83 đã quy định rõ về vai trò chủ trì của Bộ Tài chính trong việc phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu và hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu.
Đặc biệt, Bộ Công thương cho biết, về vấn đề mấu chốt "chậm sửa thuế xăng dầu trong khi tính giá xăng vừa qua, tức tính thuế MFN cao hơn thuế ưu đãi trong các FTA", do việc tính giá của Tổ liên ngành về giá xăng dầu theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, tức là áp dụng thuế MFN.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Văn Quyền cho biết, đây là công văn trao đổi giữa hai Bộ để làm rõ vấn đề trong cơ chế phối hợp, không có ý muốn tranh cãi về vấn đề này. Liên quan đến việc xử lý 3.500 tỉ đồng doanh nghiệp xăng dầu đang được lợi nhờ chênh lệch thuế, ông Quyền cho biết sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật về thuế, nếu thuộc diện phải truy thu, hoàn thuế thì phải thực hiện. “Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính”, ông Quyền nói.
Theo một chuyên gia, trong lúc hai Bộ không bên nào nhận trách nhiệm chính về việc để lỗ hổng chênh lệch thuế kéo dài hơn 1 năm, thì số phận của 3.500 tỉ đồng từ chênh lệch thuế này lại không được đưa ra bàn thảo chính thức để xử lý, và người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt thòi trong câu chuyện tranh cãi này.
Bình luận (0)