Trồng xoài sạch xuất khẩu

12/07/2016 11:22 GMT+7

Xoài là 1 trong 5 ngành hàng được tỉnh Đồng Tháp chọn tổ chức lại sản xuất theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm xoài không chỉ tiêu thụ thuận lợi trong nước mà còn có cơ hội hợp tác để xuất khẩu.

Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Hiện Đồng Tháp có diện tích xoài được xem là lớn nhất tại ĐBSCL với khoảng 9.000 ha. Để hỗ trợ cho các hộ trồng xoài, tỉnh đã triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh xoài, vận động nhà vườn trồng rải vụ. Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kết nối các doanh nghiệp, chủ vựa với nhà vườn để định hướng sản xuất theo thị trường về tiêu chuẩn, số lượng, cách thức thu mua nhằm gỡ khó cho trái xoài hiện nay.
Tại Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (H.Cao Lãnh, Đồng Tháp), hơn 40 ha xoài của 24 xã viên bắt đầu thu hoạch mùa thuận. Theo đó, hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái, nhiều nhà vườn cũng làm quen với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ông Trần Long Châu, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, cho biết: “Nếu trước đây nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích, thì hiện nay việc trồng xoài phải dựa vào quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ đó, sản phẩm xoài đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, bảo đảm ổn định đầu ra".

tin liên quan

Xoài Việt Nam sắp thành hàng 'hot'
Ngày 27.4, Đại sứ quán Úc ra thông cáo báo chí cho biết Úc đã hoàn tất đánh giá rủi ro cho quả xoài Việt Nam vào tháng 11.2015 và hiện nay là hoàn thiện các thỏa thuận sắp xếp thương mại cho mặt hàng này được nhập khẩu vào Úc.
Triển vọng hợp tác với Thái Lan
Sở hữu vườn xoài rộng 1,5 ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền (xã viên HTX xoài Mỹ Xương) cho biết từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học.
“Thông thường mỗi vụ phải tốn từ 8 - 10 lần phun thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất chỉ đạt từ 15 - 16 tấn/ha. Còn hiện tại, chỉ cần 1 - 2 lần thuốc nhưng năng suất lại cao hơn. Một lợi ích nữa là áp dụng kỹ thuật bao giúp trái không bị côn trùng gây hại tấn công nên trái xoài đẹp, bán được giá”, ông Hiền nói.
Theo các nhà vườn tại Đồng Tháp, xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với sản xuất truyền thống (không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) và luôn hút hàng. Đặc biệt, vào thời điểm thu hoạch rộ như hiện nay, giá xoài chỉ khoảng 7.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng xoài trồng ở Cao Lãnh theo tiêu chuẩn sạch có giá từ 27.000 - 35.000 đồng/kg, lời trung bình 250 - 300 triệu đồng/ha, gấp 5 - 6 lần trồng lúa.
Mới đây, đoàn doanh nghiệp xoài Thái Lan sang thảo luận xin ký hợp tác với UBND tỉnh Đồng Tháp để xuất khẩu xoài sang các thị trường Campuchia, Trung Quốc, Hồng Kông… Ông Sadda Sinives, đại diện doanh nghiệp xoài Thái Lan, cho biết nếu Đồng Tháp với tư cách là tỉnh trồng xoài lớn nhất VN hợp tác, thì hai bên sẽ thỏa thuận lịch thời vụ và thu hoạch để có lợi nhất cho nhà vườn. Các doanh nghiệp Thái Lan sẵn sàng thu mua xoài của Đồng Tháp để xuất khẩu; qua đó người trồng xoài sẽ được lợi ích lớn nhờ thị trường được mở rộng. Tuy nhiên, phía nhà vườn phải điều chỉnh kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cả thu hoạch sao cho kéo dài hơn nữa thời gian bảo quản. Song song đó, tại địa phương phải hình thành nhà máy xử lý trái xoài tươi sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo xoài được đóng gói bảo quản nhanh trước khi vận chuyển xuất khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.