Trung Quốc có thể 'xuất khẩu' suy thoái kinh tế đến bất kỳ nước nào

09/07/2017 16:12 GMT+7

Mức nợ cao của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến bất cứ nước nào trên thế giới.

Theo CNBC, ông Kenneth Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kiêm Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nói rằng: “Nếu có một quốc gia nào đó trên thế giới có thể gây tổn thương cho các nước khác, thì đó sẽ là Trung Quốc. Các khu vực đang phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng nước này có khả năng ''xuất khẩu'' cả suy thoái kinh tế ra thị trường bên ngoài”.
Nhận định của ông Rogoff được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải vật lộn với những cơn đau đầu về việc phải làm sao để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi đó lại vừa có thể kiềm chế được núi nợ đang không ngừng tăng cao.
“Trung Quốc đang cố gắng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, nhưng có rất nhiều yếu tố hạn chế họ, đặc biệt khi nước này chuyển từ mô hình kinh tế chú trọng xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước”, ông Rogoff nói thêm.
Việc chuyển đổi sang một nền kinh tế tập trung vào tiêu dùng trong nước chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản đối với các quốc gia trên thế giới, và Đại lục cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Để tạo đà thúc đẩy tăng trưởng bùng nổ, Bắc Kinh đã chọn cách dựa vào một lượng tín dụng khổng lồ.
“Trung Quốc có nhiều khả năng để hấp thụ các vấn đề về tín dụng, vì trong một khía cạnh nào đó, dù cho khu vực kinh tế tư nhân được chính phủ bảo bọc, nhưng nó sẽ vẫn phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng nhanh. Khi tín dụng chậm lại, tăng trưởng kinh tế cũng chậm theo. Vì vậy, không nhất thiết phải có những vụ vỡ nợ lớn để thấy sự lao dốc mạnh về tăng trưởng”, ông Rogoff nhận định.
Mối lo ngại về nền kinh tế của quốc gia châu Á tăng lên khi vào cuối tháng 5.2017, cơ quan đánh giá xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Moody’s đã hạ xếp hạng của Trung Quốc từ A1 xuống Aa3, đồng thời thay đổi trạng thái triển vọng tăng trưởng kinh tế từ “ổn định” sang “tiêu cực”. Moody’s cũng dự đoán gánh nặng nợ nần của chính phủ nước này sẽ tăng lên 40% GDP vào năm 2018 và 45% vào cuối thập niên này.
Trong một lưu ý gần đây, Công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản Nomura cũng ước tính mức nợ trong khối phi tài chính của Đại lục đạt 191.300 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 27.960 tỉ USD, chiếm 251% tổng GDP của nước này trong quý 1/2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.