'Trung Quốc nên học luật vàng khi làm ăn với quốc tế'

29/03/2017 19:17 GMT+7

Bài viết dưới đây là góc nhìn của nhà báo Christopher Balding thuộc chuyên mục Bloomberg View về thiếu sót của Trung Quốc trong kinh doanh với các nước khác trên thế giới.

Trung Quốc dường như đang trỗi dậy mạnh mẽ dưới thời đại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đối mặt với chính quyền Mỹ theo hướng bảo hộ ở Washington, Trung Quốc liên tiếp nhắc chuyện nước mình là nhà vô địch của toàn cầu hóa, của thương mại tự do và của sự mở cửa. Gần đây, họ lên tiếng nhắc các nhà hoạch định chính sách phương Tây đối xử với giới đầu tư Trung Quốc một cách nhẹ nhàng hơn trước khi kỳ vọng Trung Quốc mở cửa thị trường nước này. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên cho hay tự do hóa mạnh hơn phụ thuộc vào việc liệu các nhà đầu tư Trung Quốc có được “đối xử tốt hơn ở ngoại quốc hay không”.
Chuyện này rất khó thực hiện. Sự thật là các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đường đầu tư ở nước ngoài hiện được đối đãi tốt hơn nhiều so với cách mà Trung Quốc ứng xử với giới đầu tư ngoại. Tình hình đã và đang như thế nhiều năm qua.
Không nhiều hơn 10 thương vụ liên quan đến công ty Trung Quốc bị chặn trên thế giới. Năm 2012, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối dự án trang trại điện gió của Trung Quốc, vốn tọa lạc gần căn cứ huấn luyện hải quân Mỹ ở bang Oregon. Tháng 12.2016, vì lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Obama chặn thương vụ mua lại nhà sản xuất chip Đức của Trung Quốc. Công ty Đức vốn hoạt động mạnh mẽ ở Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng bỏ ngang một số thương vụ được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan xem xét kỹ các thỏa thuận, quan tâm.
Điều đáng chú ý hơn là sự nồng ấm mà các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhận được trên trường quốc tế, ngay cả trong các lĩnh vực được coi là nhạy cảm. Giới doanh nghiệp Đại lục mua một loạt hãng công nghệ nước ngoài và dù nhiều chính trị gia lo ngại về việc Bắc Kinh thâm nhập vào ngành công nghiệp điện ảnh của Mỹ, chưa có khoản đầu tư nào của Trung Quốc vào ngành này bị chặn. CFIUS cho hay Đại lục là nhà thâu tóm lớn thứ năm của “các công nghệ chủ chốt”. Trung Quốc đứng cận hoặc đi trước nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ, chẳng hạn như Đức, Israel và Nhật Bản.
Theo một báo cáo của giới luật sư tại Covington và Burling, các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc chiếm gần 1/5 trong số các vụ được CFIUS chú ý từ năm 2012 đến năm 2014, song “đa số” các thương vụ này đều được thông qua.
Trung Quốc vẫn còn bức tường cao đặt ra trước mắt giới đầu tư ngoại Ảnh: Reuters
Châu Âu cũng đối đãi tốt như cái cách Mỹ làm, nếu không muốn nói là tốt hơn. Mùa thu năm ngoái, Anh chấp thuận khoản đầu tư 23 tỉ USD từ Trung Quốc vào một lò phản ứng hạt nhân cung cấp năng lượng cho một phần lớn của miền nam Anh quốc. Dù Đức đã và đang phàn nàn về hạn chế của việc đầu tư vào Đại lục, chính phủ nước này cũng không làm gì để chặn thương vụ thâu tóm hãng sản xuất robot Kuka của công ty Đại lục Midea.
Rõ ràng là ngay cả khi không phải toàn bộ các thương vụ đều diễn ra theo mong đợi, Trung Quốc cũng khó lòng chứng minh được sự thiên vị hệ thống mà công dân và công ty nước này phải chịu. Điều làm lời phàn nàn từ phía Trung Quốc có vấn đề hơn là giới chức Đại lục có lẽ không chấp thuận nhiều thương vụ hơn là giới chức nước ngoài. Trong hai tháng đầu năm 2017, giữa lúc Bắc Kinh tăng kiểm soát vốn, đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài hạ 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo một báo cáo, 30 thỏa thuận có tổng giá trị 75 tỉ USD bị hủy vào năm ngoái vì doanh nghiệp Đại lục không đáp ứng đủ điều kiện để được giới chức nước nhà phê duyệt.
Thị trường Trung Quốc vẫn còn đóng cửa đối với nhà đầu tư ngoại nhiều hơn so với mức đóng cửa của thị trường nước ngoài đối với nhà đầu tư Trung Quốc. Từ việc xây rào đối với đầu tư nước ngoài trong vài ngành công nghiệp, đến việc yêu cầu phần đông công ty đổ tiền vào Trung Quốc phải lập liên doanh với doanh nghiệp nước này, Trung Quốc vẫn duy trì nhiều bức tường mà các nước khác vốn hạ từ lâu. Giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục biện minh các động thái trên là nhằm giám sát một nền kinh tế nhỏ và còn lạc hậu, cần nhiều biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp nội.
Sự mất cân bằng này gây ra phản ứng lớn ở các nước phương Tây. Giới hoạch định chính sách ở Washington, Berlin và London đều cho rằng họ đối đãi doanh nghiệp Trung Quốc chẳng khác gì so với Bắc Kinh đãi ngộ doanh nghiệp nước nhà.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cần quyết định loại chính sách kinh tế mà họ muốn theo đuổi: một là dựa trên các khẩu hiệu về sự cởi mở, hoặc hai là một đất nước tự tin chào đón đầu tư, chuyên môn và cạnh tranh từ nước ngoài. Tất nhiên, họ có quyền yêu cầu giới doanh nghiệp Đại lục phải được đối xử một cách công bằng, song bước lên bục lãnh đạo toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc phải lãnh đạo bằng cách làm gương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.