Tự tạo cơ hội: Biến đất đồi thành vườn rau sạch

24/05/2016 06:18 GMT+7

Qua gần 10 năm đầu tư, ông Huỳnh Ngọc Trúc (57 tuổi, ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên) đã chuyển hơn 2 ha đất đồi thiếu nước khô cằn thành vườn trồng rau sạch và bước đầu mang lại hiệu quả.

Khu đồi núi ấy nằm trên đỉnh dốc Bà Ền, ven QL1A thuộc xã An Mỹ, H.Tuy An, Phú Yên, cách TP.Tuy Hòa chưa đến 20 km. Do vùng đất đồi, không nước, khô cằn, triền dốc nên ông Trúc bỏ số vốn khá lớn để đầu tư cải tạo và hình thành nên khu cà phê sân vườn Lâm Viên, thu hút nhiều thực khách. Tuy nhiên đến năm 2009, QL1A đoạn qua dốc Bà Ền được hạ thấp thì khu cà phê Lâm Viên nằm trên đỉnh cao, cách trở đường vào nên dần vắng khách. Không bán cà phê nữa nhưng hơn 5 năm nay, ông Trúc lặng lẽ chăm vườn cây “thập cẩm” của mình và nghĩ cách tạo cơ hội làm ăn.
Cách đây hơn một năm, qua sự tư vấn của con gái đầu Huỳnh Thị Ngọc Châu (29 tuổi) đang sống ở TP.HCM, ông quyết định đầu tư trang trại trồng rau sạch. Phương châm của ông là không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, kể cả khâu làm đất cũng không dùng thuốc trừ cỏ mà dùng máy cắt rồi cày xới, thuê người nhổ thật sạch, dù cách làm này có nhược điểm là cỏ con mọc liên tục, rất tốn công nhổ. Phân bón rau duy nhất là phân bò (bò tự nuôi trong trang trại và gom mua các nơi). Ông ủ phân bò với mật đường và thuốc khử mùi sinh học Vibem, đợi một thời gian rồi đem phân rải đều lên các luống đất đã đánh sẵn, sau đó gieo hạt, phủ lên trên bề mặt một lớp rơm khô để giữ độ ẩm và tưới nước cây rau không bị dập ngã.
Hiện vườn rau của ông Trúc trồng rất nhiều loại, nhiều nhất là các loại rau ăn sống như xà lách, cải, lá é, tần ô, ngò, ngò gai, hành; các loại rau nấu canh như rau đay, mồng tơi, bồ ngót, dền; các loại củ quả như khổ qua, đậu cô ve, bí đỏ, bí chanh... Loại nào cũng xanh tốt và sai trái.
Để giảm lượng sâu xâm hại rau, ông Trúc trồng dọc các luống rau những loại hoa vạn thọ, cúc cho ong bướm tập trung vào sinh sôi nảy nở và không tấn công rau. Bên cạnh đó, ông nấu, xay nhuyễn trái bồ hòn (lấy chất đắng 15 trái/5 lít nước) pha gừng, tỏi, ớt... rồi hòa rượu trắng và nước để phun đuổi sâu hại rau.
Ông Trúc cho biết, với cách trồng và chăm sóc như trên, dù năng suất của trang trại hiện không cao bằng một số nơi khác (dùng phân vô cơ, thuốc trừ sâu hóa học...) nhưng giá nông sản luôn cao gấp 2 - 3 lần.
Hiện nay, mỗi ngày ông Trúc thuê 5 - 7 lao động để luân phiên làm đất ủ phân, xuống giống, làm cỏ, nhổ rau đóng thùng, còn ông đảm trách việc tưới nước và điều hành chung. Công việc nhổ rau phải làm từ mờ sáng, sau đó nhặt sạch rác cỏ, đóng thùng đúng kỹ thuật để rau tươi lâu rồi gửi xe vào TP.HCM để con gái mang đi tiêu thụ. Chi phí cho mỗi thùng rau thành phẩm cũng đã lên đến 400.000 đồng (tiền công, giống, thùng xốp, tiền cước từ Phú Yên - Sài Gòn, từ bến xe đến nhà) nhưng nhờ rau sạch nên bán được giá và bước đầu có lãi.
Mỗi tháng, trừ chi phí nhân công, tiền đầu tư trang trại... ông thu lãi từ 7 - 10 triệu đồng, đủ chi phí cho các con đang học. “Trong tương lai, tôi sẽ nuôi heo, gà thả vườn theo mô hình sinh học để cung cấp thịt sạch ra thị trường”, ông Trúc chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.