Tự tạo cơ hội: Thuần phục nhãn ngoại

12/07/2016 06:51 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Phúc đã thành công trong việc thuần phục nhãn ngoại bằng cách ghép nhãn Ido của Thái Lan qua thân nhãn long của VN và xử lý cho nhãn ra trái nghịch mùa.

Có được thành công như ngày hôm nay, ông Phúc (65 tuổi, ngụ ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, H.Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) phải trải qua thời gian dài gian nan vất vả. Ông kể, ban đầu khu vườn chỉ có 1 ha trồng nhãn long và nhãn xuồng. Năm 1992, loại nhãn này liên tiếp rớt giá nên ông tìm giống cây mới trồng thay thế. Được bạn bè giới thiệu, ông mua 11 cây nhãn Ido của Thái Lan, 10 cây nhãn Thạch Kiệt của Trung Quốc và 7 cây nhãn của Mỹ về trồng và nghiên cứu. Vài năm sau, nhãn Ido thích nghi tốt với đất, cho trái sai. “Nếu đốn hết nhãn long cả chục năm tuổi thì uổng quá nên tôi nghĩ cách lấy bo của nhãn Ido ghép qua thân nhãn long để mau cho trái”, ông Phúc nói.
Sau một thời gian ngắn, nhãn ghép đã cho trái nhưng tỷ lệ đậu thấp, năm tiếp theo thì không trái. Với niềm đam mê và ý chí làm giàu, ông Phúc lại tìm sách báo nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè để tìm cách khắc phục rồi mở rộng diện tích vườn ra 4 ha, trồng 700 gốc nhãn. Khi vườn nhãn Ido cho trái nhiều, thu hoạch rộ thì giá bán lại không cao. Vậy là ông Phúc tiếp tục tìm cách xử lý cho nhãn ra trái nghịch mùa và đã thành công. Nhãn Ido của ông nhanh chóng thu hút nhiều thương lái đến mua với giá từ 27.000 - 50.000 đồng/kg.
Ông Phúc phấn khởi cho biết nhờ biết cách chăm sóc nhãn theo hướng VietGAP nên có bao nhiêu sản phẩm thì thương lái cũng mua hết. Hiện nay, với 4 ha, vườn nhãn Ido của ông Phúc có đến 1.600 gốc và đều đã cho trái, mỗi năm cho 4 lần thu hoạch. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm cá tra, gà thả vườn, trong đó nuôi gà là để lấy phân bón cho cây nhãn, vừa giúp cây phát triển tốt, vừa hạ chi phí sản xuất. Cách đây vài tháng, đại diện một doanh nghiệp bên Nga đến đặt vấn đề mua từ 1.000 - 5.000 tấn/năm nhưng ông Phúc từ chối vì lý do: “Tôi chỉ có 4 ha nên chỉ bán được 60 tấn/năm cho 4 lần thu hoạch. Nếu tôi hợp tác với bà con địa phương trồng thì cũng chỉ ở mức 1.000 tấn/năm thôi. Trong khi đó sản lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó nói trước được”. Ông Phúc cho biết, sắp tới ông sẽ mua thêm 1,5 ha đất để trồng nhãn. Hiện ông đã làm thủ tục đăng ký thương hiệu nhãn Ido, sau khi được công nhận ông sẽ xuất khẩu nhãn Ido sang Mỹ và bán cho các siêu thị tại TP.HCM. “Tôi thấy hiện nay không có trồng cây gì cho thu nhập cao hơn cây này, lời gấp 10 lần trồng lúa, gấp 2 - 3 lần cây thanh long”, ông Phúc nói.
Trồng nhãn thành công, ông Phúc đã nhiệt tình cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng nhãn nghịch mùa cho nhà vườn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre... Nhiều nông dân ở tận miền Bắc, miền Trung cũng vào gặp ông học hỏi cách trồng và đặt mua cây giống. Đồng thời, nông trại của ông còn giải quyết việc làm cho 10 - 15 lao động tại địa phương với mức lương 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Ông Võ Văn Vũ, Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long nhận xét: Nhãn Ido của ông Phúc cho năng suất cao gấp 2 - 3 lần nhãn xuồng, nhãn da bò. Trước khi ký hợp đồng thu mua, các thương lái, doanh nghiệp đều đến lấy mẫu nhãn đem đi kiểm tra chất lượng, dư lượng thuốc. Vườn nhãn của ông Phúc luôn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật xuất khẩu, phần lớn trái nhãn rơi vào loại 1 (thường được xuất sang Mỹ). Nhãn Ido có cơm dày, hạt nhỏ, độ ngọt vừa phải, kích cỡ trái đồng đều. Ngoài ra, loại nhãn này còn có ưu điểm là ít rụng trái, vỏ dày và ít nứt nên dễ vận chuyển đi xa, bảo quản lâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.