Uber - bài học cảnh giác cho các start-up

17/06/2017 09:43 GMT+7

Uber vừa trải qua một ngày quan trọng sau nhiều bê bối và khủng hoảng quan hệ công chúng. Hãng tin CNN nhận định vấn đề của công ty là câu chuyện cảnh giác cho các hãng khởi nghiệp.

Theo CNN, Uber vừa công bố quyết định quan trọng hôm 13.6 sau một cuộc điều tra văn hóa doanh nghiệp kéo dài nhiều tháng. CEO Uber Travis Kalanick tạm rời ghế vô thời hạn để cải thiện khả năng lãnh đạo tại Uber. Thông báo trên được đưa ra sáu tháng sau nhiều bê bối và khủng hoảng PR. Các vụ lùm xùm biến Uber trở thành câu chuyện cảnh báo cho những start-up muốn phát triển bằng mọi giá song lại không muốn trưởng thành.
Một số sai sót được nhắc đến hôm 13.6 của Uber phổ biến tại các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon: một nhà sáng lập nắm quyền kiểm soát không bị kiểm tra quá nhiều, nhân viên thiếu đa dạng và cáo buộc về thành kiến giới tính. Một số sai lầm khác của Uber thì thể hiện nhiều rủi ro mà chỉ thế hệ start-up mới gặp phải.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều hãng công nghệ gọi được vốn tư nhân lớn chưa từng có và được định giá cao. Một số hãng, trong đó có Uber, dùng số tiền này để hoãn việc trở thành công ty đại chúng lại càng lâu càng tốt.
Chuyên gia IPO Lise Buyer thuộc Class V Group, người từng giúp Google chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, cho biết lên sàn chứng khoán buộc các công ty phải có hành vi kỷ luật và trưởng thành. Bà Buyer cho biết khi không nhắm đến IPO, Uber hoãn việc thuê tuyển một số vị trí lãnh đạo cơ bản, nhân viên tài chính và nhân sự thường được kỳ vọng ở một công ty đại chúng với quy mô tương đương.
Uber không thuê giám đốc nhân sự cho đến năm 2014, ngay trước khi hãng được định giá 18 tỉ USD. Năm ngoái, Uber bất ngờ lỗ 2,8 tỉ USD nhưng vẫn không có giám đốc tài chính (CFO). Giữa nhiều cuộc khủng hoảng, công ty vận hành ứng dụng gọi taxi vẫn hoạt động mà không có giám đốc marketing (CMO), giám đốc tác nghiệp (COO), chủ tịch và giám đốc điều hành (CEO), ít nhất là trong một thời gian.
Hiện hãng đang tích cực tìm cách lấp đầy những vị trí này cũng như bổ sung thành viên vào hội đồng quản trị. Phần lớn các hoạt động này lẽ ra đã diễn ra nếu Uber nghiêm túc hơn về việc sớm lên sàn chứng khoán.
Chuyên gia Buyer nói: “Vấn đề là nếu công ty càng lớn và càng hoạt động lâu hơn với sự tự do thì càng khó thay đổi những thói quen, văn hóa đó”. Tại Uber, văn hóa doanh nghiệp khá hung hăng và mang tính đối đầu. Uber, như nhiều startup khác, chọn cách bỏ qua các quy tắc lỗi thời và chơi theo luật riêng.
Uber bị cáo buộc là xây dựng một công cụ nhằm giúp tài xế tránh được giới quản lý, đối mặt với phiên tòa về cáo buộc thuê tuyển một nhân viên đã đánh cắp công nghệ ô tô tự lái từ dự án Waymo của Google. CEO Uber thậm chí còn thừa nhận đã phá hoại nỗ lực gọi vốn của đối thủ chính.
“Uber là lời cảnh báo rằng khái niệm “bỏ qua các quy tắc” quá mức sẽ không đem lại kết quả tốt mãi mãi. Không công ty nào có quyền phá vỡ vô thời hạn những giới hạn bình thường về hành vi được chấp nhận của con người”, chuyên gia Ethan Kurzweil thuộc Bessemer Venture Partners nói.
Uber không phải doanh nghiệp đầu tiên bị phê bình vì cách làm này. Zenefits, start-up phần mềm HR, từng có giá 4,5 tỉ USD, bị phạt do các hãng bảo hiểm của họ hoạt động không có giấy phép và có hành vi văn phòng không phù hợp.
Dù vậy, Uber không phải là một start-up thông thường. Đây là start-up lớn, được ngưỡng mộ với định giá tư nhân cao nhất trong hàng start-up và tham vọng gần như vô hạn trong việc thay đổi ngành công nghiệp giao thông vận tải. Không thiếu start-up đi theo hướng của công ty này song họ cần tránh những điểm yếu và phát huy điểm mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.