Đồng đô la Mỹ có thể làm nên lịch sử, khi đợt tăng giá của đồng bạc xanh trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama có thể sánh ngang với các đợt đi lên dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton.
Tổng thống Barack Obama - Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, sau ba năm liên tiếp tăng giá, giới chuyên gia được khảo sát dự báo USD sẽ một lần nữa đi lên trong năm 2016, mạnh lên so với 7 trong số 10 đồng tiền chính trên thế giới vào cuối năm. Dự báo trên được hỗ trợ bởi dự định tiếp tục tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh các nước còn lại trên thế giới giữ nguyên hoặc hạ lãi suất.
Đợt tăng giá bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama đã sẵn sàng để trở thành một trong những giai đoạn tăng giá lớn nhất, bền bỉ nhất của đô la Mỹ kể từ khi đồng tiền này nhổ chiếc neo gắn với vàng từ năm 1971. Hai đợt tăng giá trước của đồng bạc xanh dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan và Bill Clinton đều không dừng lại sau 4 năm.
“Đây là đợt tăng giá lớn thứ ba của chúng ta. Tôi cho rằng chuyện USD đi lên dưới thời Tổng thống Obama được thúc đẩy bởi sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ”, chuyên gia chiến lược tiền tệ Marc Chandler tại hãng Brown Brothers Harriman nói.
USD sẽ kết thúc năm 2016 cao hơn các đồng tiền chính khác, trừ đô la Canada, bảng Anh và krone Na Uy. Trong khi đó, đồng bạc xanh tăng giá mạnh hơn nhiều so với đô la New Zealand, đô la Úc và franc Thụy Sĩ, theo dự báo của Bloomberg. Điều này đến sau khi Trade Weighted Real Broad Dollar Index, chỉ số xem xét giá trị bình quân hằng tháng của USD so với tiền tệ các nước là đối tác thương mại chính của Mỹ được Fed đặt ra vào năm 1973 (hai năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon mở đường cho một đồng bạc xanh “thả nổi” bằng cách kết thúc khả năng chuyển đổi ra vàng của USD) tăng ba năm liên tiếp.
Có hai đợt tăng giá khác của USD để so sánh với thời điểm này, đó là vào những năm 1980 và những năm 1990. Đô la Mỹ có sáu năm liền tăng giá, từ 1979 đến 1984, khi cựu Tổng thống Reagan lên nắm quyền hồi năm 1981, cắt giảm thuế còn Fed thì tăng lãi suất. Tiếp theo là đợt tăng giá vào giữa năm 1996 và 2001. Đồng bạc xanh đi lên suốt năm năm trong tổng số sáu năm mà ông Clinton làm Tổng thống Mỹ.
“Xu hướng USD thường kéo dài trong nhiều năm. Bạn vẫn nên tôn trọng các xu hướng đó”, chuyên gia Greg Anderson tại Bank of Montreal ở New York (Mỹ) nói.
Đợt đi lên hiện nay của USD khởi động từ năm 2013, khi Fed bắt đầu ra tín hiệu về kế hoạch kích thích tiền tệ bất thường mà họ đã áp dụng từ thời khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009, làm dấy lên phỏng đoán cho rằng họ sẽ nâng lãi suất lên sau đó. Động thái này làm USD mạnh lên, vì giới đầu tư có xu hướng trả nhiều tiền hơn để giữ USD so với các đồng tiền khác.
Đợt tăng lãi suất được nhiều người dự báo đó cuối cùng cũng thành sự thật vào tháng trước. Fed lần đầu tiên nâng lãi suất cơ bản sau một thập niên và đưa ra các tuyên bố ngụ ý sẽ có 4 đợt tăng lãi suất trong năm sau nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng.
Bình luận (0)