Vật vã xử lý tài sản thế chấp

20/10/2014 05:00 GMT+7

Khởi kiện ra tòa kéo dài cả chục năm không thể phát mãi xong một tài sản thế chấp ; định giá tài sản nhiêu khê; cơ chế, chính sách bất cập, quá nhiều lỗ hổng… khiến các ngân hàng đang bất lực “ôm” khối nợ xấu ngày càng lớn.

Vật vã xử lý tài sản thế chấp
Không thanh lý, phát mãi được tài sản nợ xấu ngân hàng càng rủi ro - Ảnh: Ngọc Thắng

Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) vừa công bố đã xử lý khoảng 249.000 tỉ đồng nợ xấu trong 3 năm qua. Nợ xấu còn nằm trên hệ thống chỉ chiếm có hơn 4% tổng dư nợ, tương đương hơn 160.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng trong báo cáo trên, số liệu khác cho thấy từ chủ trương giãn, cơ cấu lại nợ, số nợ quá hạn đã được cơ cấu lại lên tới hơn 300.000 tỉ đồng. Nếu tính cả con số trên, nợ quá hạn khoảng hơn 8% tổng dư nợ.

Ách tắc vì thiếu hướng dẫn

Việc tiếp tục cơ cấu lại nợ, kéo dài thêm thời hạn sẽ giúp cơ quan quản lý có được một số liệu nợ xấu “đẹp” hơn. Những tổ chức xếp hạng quốc tế không hạ mức tín nhiệm, hoặc đánh giá tốt hơn. Tuy nhiên, hậu quả nó để lại cũng không nhỏ khi các khoản nợ cứ được “gói ghém” hết ngày này qua tháng khác kéo theo lãi vay liên tục phát sinh. Vì vậy, xử lý dứt điểm các khoản nợ quá hạn, thông qua bán thanh lý, phát mãi tài sản, theo các chuyên gia mới thực sự là giải pháp căn cơ nhất hiện nay. Có như vậy bản thân ngân hàng (NH) cũng như doanh nghiệp (DN) không chịu áp lực đòi nợ, vay nợ; không lo phát sinh khoản lãi suất mới… Nhưng cơ chế phát mãi và sự nhiêu khê trong xử lý tài sản thế chấp lại trở thành rào cản vô hình làm ách tắc toàn bộ quá trình xử lý nợ xấu.

Không ai muốn lôi nhau ra tòa cả, vì thực tế hiện nay để xử được một vụ, được phát mãi tài sản cũng phải mất vài năm, dài hơn thì cả chục năm trời. Từng ấy thời gian kéo theo bao nhiêu chi phí, rồi giá trị tài sản bị bốc hơi, NH và khách hàng đều thiệt hại nặng nề

Tổng giám đốc một ngân hàng

Tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần lớn chia sẻ, hiện nay các NH không hề muốn kéo dài, khoanh nợ thêm nữa mà rất muốn xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, có tới 60 - 70% tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng là bất động sản. Dù khách hàng sẵn sàng hợp tác ủy quyền sang tên giấy tờ sở hữu nhưng không thể thực hiện được vì thiếu hướng dẫn từ Bộ Tư pháp. Ông cho biết: “NH không thể nhận chuyển nhượng theo dạng hợp đồng mua bán vì không có chức năng kinh doanh bất động sản. Chúng tôi nhiều lần gửi công văn lên Bộ Tư pháp đề nghị ban hành mẫu công văn hướng dẫn cấn trừ nợ, nhận tài sản vì nếu không phía công chứng họ không chấp nhận, không thể sang tên được”.

Đối với trường hợp buộc phải kiện ra tòa, con số nợ mà các NH có thể thu hồi qua phương án cuối cùng này chỉ chiếm vài phần trăm trên tổng số nợ. “Không ai muốn lôi nhau ra tòa cả, vì thực tế hiện nay để xử được một vụ, được phát mãi tài sản cũng phải mất vài năm, dài hơn thì cả chục năm trời. Từng ấy thời gian kéo theo bao nhiêu chi phí, rồi giá trị tài sản bị bốc hơi, NH và khách hàng đều thiệt hại nặng nề”, vị tổng giám đốc trên nhận xét thêm.

Càng để lâu, thiệt hại càng lớn

Khó khăn từ cơ chế trên cũng khiến Công ty quản lý tài sản (VAMC) rơi vào cảnh dở khóc, dở cười khi đi bán nợ xấu mua được. Sau một thời gian đi vào hoạt động, số nợ mà công ty này mua vào lên tới 60.000 tỉ đồng, nhưng chỉ phát mãi thu hồi được có 1.400 tỉ đồng. Nguyên nhân, theo Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng, là: “Quy định hiện hành pháp nhân không được ủy quyền cho pháp nhân khởi kiện, chỉ được ủy quyền cho cá nhân khởi kiện tại tòa án. Thêm vào đó, tòa án vẫn không cho phép VAMC được kế thừa việc tổ chức tín dụng đã khởi kiện trước khi bán nợ. Chính quy định này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu”.

Một lý do khác, vẫn theo ông Hùng, hiện nay VN chưa có thị trường mua bán nợ nên bản thân VAMC cũng như các NH không thể chủ động bán nợ xấu. Mặt khác, cơ chế định giá nợ xấu chưa được xây dựng nên phải mất quá nhiều thời gian để định giá nợ xấu khi bán nợ và do đó giao dịch liên quan đến nợ xấu không thể thực hiện được, bị ách tắc trong khâu này.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cũng nhận xét hiện nay chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục. “Quy định trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ trong trường hợp khách hàng vay không trả được nợ theo hợp đồng tín dụng hoặc vi phạm hợp đồng tín dụng... còn hết sức bất cập, chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ nợ”, ông Kiên nói.

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đánh giá không chỉ cơ chế còn nhiều lỗ hổng, mà ngay chính các cơ quan thực thi công quyền tại một số nơi còn nhiêu khê, không được nghiêm minh, công bằng khiến việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn.

Anh Vũ

>> Ngân hàng “canh chừng” tài sản thế chấp
>> Nợ xấu cản trở kinh tế phục hồi
>> Ngân hàng đang 'ôm' 162,2 ngàn tỉ đồng nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.