Vì sao Ngân hàng Thế giới bỏ cụm từ 'các nước đang phát triển'?

19/05/2016 14:36 GMT+7

Trong ấn bản World Development Indicators năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) không còn phân biệt các nước “phát triển” và các nước “đang phát triển” khi trình bày dữ liệu. Vì sao WB có quyết định như trên?

Thay đổi của WB đánh dấu sự khác biệt trong suy nghĩ về phân bố địa lý của đói nghèo và thịnh vượng. Thực tế, hai khái niệm “các nước đang phát triển” và “các nước phát triển” vốn không được đồng ý ngay từ đầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay sự phân biệt giữa thị trường phát triển và thị trường đang phát triển của họ “không dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt về kinh tế hay về các mặt khác”. Liên Hiệp Quốc (UN) cũng không đưa ra định nghĩa chính thức về một nước đang phát triển, mặc dù dán nhãn này lên 159 quốc gia. WB từng gộp các nước nằm ở mức đáy 2/3 khi xét tổng thu nhập quốc gia vào nhóm “đang phát triển”.

“Vấn đề chính ở đây là vì có quá nhiều sự không đồng nhất giữa nước Malawi (châu Phi) và Malaysia dù cả hai cùng được xếp vào một nhóm. Malaysia thì giống Mỹ nhiều hơn là Malawi. Chúng tôi nhận thấy việc gộp các nước lại vào một nhóm với nhau không thực sự có ích”, nhà kinh tế cấp cao Umar Serajuddin tại văn phòng thống kê của WB nói.

Một phần của câu chuyện này là nhờ thành công trong nỗ lực phát triển của các nước hai thập niên qua. Nhà khoa học dữ liệu Tariq Khokhar của WB cho hay: “Lối suy nghĩ cũ rằng các nước đang phát triển là nơi không tiến bộ không có ích gì”.

Một báo cáo được các nhà nghiên cứu thực hiện cho hay tổng thu nhập quốc dân trên đầu người là một trong các thước đo hữu hiệu cho các chỉ số xã hội và được phổ biến rộng rãi. Song khi họ chia dữ liệu trên khung điều chỉnh lạm phát ra thành mức thu nhập thấp, trung bình và cao, cụm từ “các nước đang phát triển” bắt đầu có vấn đề. Thu nhập của Trung Quốc, Bolivia và Eritrea rơi vào ba nhóm khác nhau, nhưng tất cả cùng được gắn mác “các nước đang phát triển”.

Bên cạnh đó, việc WB loại bỏ cụm từ “các nước đang phát triển” cũng phản ánh sự phát triển khi cả thế giới di chuyển từ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) do UN lập ra vào năm 1990 như một lộ trình chống đói nghèo toàn cầu, sang Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) mới được thiết lập năm ngoái.

“MDGs là dành cho các nước đang phát triển… Có những người giúp đỡ, và những người cần được giúp đỡ. SDGs thì phổ quát, xem tất cả các nước đều cần sự phát triển”, ông Serajuddin nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.