Theo ông Trần Quốc Khánh, đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại giữa VN và Liên minh Châu Âu (EU), vẫn còn có tâm lý lo ngại khi VN hội nhập sâu với châu Âu là điều dễ hiểu bởi đây là thị trường khó tính, phân khúc hẹp hơn, do đó sức ép cạnh tranh sẽ lớn hơn nhiều nên đòi hỏi DN luôn phải suy nghĩ về vấn đề chất lượng và phải có độ ổn định trong thời gian dài.
Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, hiệp định với EU là một cam kết mới, ở tầm khác nên DN nội cần tiếp cận theo một cách thức mới, chủ động hơn trước. Ông Khánh mong DN đi nhiều hơn, trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, khách hàng, lắng nghe phản hồi của họ về sản phẩm, từ đó có điều kiện cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm mới có thể tăng cường xuất khẩu sang EU.
Trong khi đó, theo Trưởng đoàn đàm phán hiệp định của EU, ông Mauro Petriccione, lo ngại lớn nhất và cũng là tiêu chí mà các nhà đầu tư EU đặt yêu cầu nhiều nhất cho VN đó là nhà nước sẽ không hỗ trợ DN nhà nước quá mức cần thiết, cho dù có hiệu quả hay không. Các DN nhà nước cần phải đặt trong môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển kêu gọi phải nhanh chóng ban hành cho được luật DN vừa và nhỏ bởi khối này là động lực cho phát triển kinh tế.
Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của VN, với kim ngạch 2 chiều năm 2015 đạt 41,2 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của VN sang EU đạt gần 31 tỉ USD.
Trong chiến lược xuất khẩu của VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030, EU được coi là một trong những đối tác trọng tâm phát triển kinh tế thương mại. Tuy nhiên, theo điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, có gần 30% DN tư nhân chưa có kế hoạch tăng cường kinh doanh với đối tác EU.
Bình luận (0)