Xe buýt Sài Gòn quá tệ

22/05/2016 05:28 GMT+7

Năm 2013, UBND TP.HCM phê duyệt đề án đầu tư 1.680 xe buýt mới nhưng đến nay đề án này vẫn 'chạy' hết sức ì ạch.

TP.HCM hiện có khoảng 2.800 xe buýt, phần lớn xuống cấp, hư hỏng do đã hoạt động trên 10 năm, thậm chí 15 năm nhưng vẫn phải gồng mình chạy từ ngày này sang ngày khác. Xe buýt cũ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn khiến hành khách chê, dẫn đến lượng khách đi xe buýt giảm sút.
Vừa qua, khi kiểm tra 45 xe buýt đang hoạt động, cơ quan chức năng phát hiện 9 xe vượt tiêu chuẩn khí thải cho phép, xả khói đen ra môi trường.
Giai đoạn 2013 - 2015, số người đi xe buýt sụt giảm dần vì phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, đồng thời còn do xe buýt chạy không đúng giờ, nhân viên xe buýt có thái độ tiêu cực, tài xế phóng nhanh vượt ẩu khiến không ít người quay lưng với xe buýt, phương tiện xuống cấp...


“Rất đáng lo ngại”
Hai đơn vị có số lượng xe buýt nhiều nhất là Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn (Saigonbus) và Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM. Ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, cho biết các đơn vị thuộc khối HTX hiện có khoảng 600 xe, trong đó có đến 550 xe đã cũ. Nhiều xe đã có tuổi thọ 15 năm và tuổi thọ tối thiểu cũng đã 10 năm. Một số xe đã xuống cấp, hư hỏng, HTX tiến hành tu bổ, sửa chữa nhưng chất lượng cũng chỉ tương đối. “Chỉ 1 - 2 năm nữa tình hình sẽ rất đáng lo ngại vì nhiều xe sẽ xuống cấp, hư hỏng nặng”, ông Hải lo lắng.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó tổng giám đốc Saigonbus, đơn vị này hiện có khoảng 700 xe buýt, trong đó gần 95% số xe đã trên 10 năm. Cụ thể, có 41 xe tuổi đời “trẻ” nhất thì cũng đã 5 năm hoạt động, khoảng 400 xe đã có tuổi thọ 11 năm (hoạt động từ năm 2005), hơn 250 xe còn lại thì đã quá già nua vì được vận hành từ năm 2003. “Hầu hết xe đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, nằm đường. Hiện Saigonbus đang mong chờ dự án đầu tư mới 1.680 xe buýt từ UBND TP. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có xe buýt mới nào được đầu tư. 29 xe buýt mới sử dụng CNG cũng đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư”, ông Việt nói.
Số liệu của Sở GTVT TP.HCM cho biết, năm 2015, TP có trên 323 triệu lượt người sử dụng xe buýt, chỉ đạt 87,1% kế hoạch, giảm 11,7% so với năm 2014. Trong đó, các tuyến có trợ giá bị khách chê nhiều nhất và chỉ đạt 70% kế hoạch, giảm 14,4% so với cùng kỳ 2014. Giai đoạn 2013 - 2015, số người đi xe buýt sụt giảm dần vì phương tiện cá nhân tăng quá nhanh, đồng thời còn do xe buýt chạy không đúng giờ, nhân viên xe buýt có thái độ tiêu cực, tài xế phóng nhanh vượt ẩu khiến không ít người quay lưng với xe buýt, phương tiện xuống cấp...
Phê duyệt xong đề án đã lỗi thời
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, kế hoạch đầu tư 1.680 xe buýt mới để thay thế xe buýt cũ xuống cấp dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2012 - 2015, nhưng đến ngày 23.5.2013 UBND TP mới có quyết định phê duyệt đề án đầu tư, thực hiện từ năm 2014 - 2017. Trong đó, loại xe 80 chỗ sẽ đầu tư 260 xe chạy bằng dầu diesel và 300 xe chạy bằng khí CNG; xe 55 chỗ đầu tư 424 xe chạy dầu diesel; xe 40 chỗ đầu tư 696 xe chạy dầu diesel. Theo kế hoạch, năm 2014 sẽ mua 341 xe, năm 2015 mua 470 xe, năm 2016 mua 455 xe và năm 2017 mua 414 xe. Riêng 300 xe buýt sử dụng CNG được đưa vào hoạt động năm 2014 - 2015. Các xe buýt được đầu tư theo đề án này phải hoạt động trên các tuyến xe buýt ở TP với thời gian tối thiểu là 7 năm. Các đơn vị đầu tư mua xe buýt sử dụng dầu diesel và khí CNG sẽ được UBND TP hỗ trợ lãi suất vay. Cụ thể, nhà đầu tư trả trước 30% giá xe, phần còn lại 70% vay tại các tổ chức tài chính, tín dụng.

tin liên quan

Đánh giá lại phương thức trợ giá xe buýt
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng xe buýt là phương tiện chủ lực để giải quyết bài toán giao thông công cộng, nên trợ giá xe buýt là cần thiết. Tuy nhiên, cần đánh giá lại phương thức trợ giá để thu hút người dân đi xe buýt.
Tuy nhiên đến nay chỉ mới có khoảng 100 xe buýt CNG đưa vào khai thác, xe buýt chạy dầu diesel cũng chỉ thay thế với số lượng rất khiêm tốn. Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT TP, cho biết: “Đề án đổi mới 1.680 xe buýt do chúng tôi xây dựng từ năm 2011 - 2012. Thế nhưng, đến năm 2013 mới được UBND TP thông qua nên các chính sách đã lỗi thời không hấp dẫn nhà đầu tư nữa”.
Cụ thể hơn, ông Phùng Đăng Hải cho rằng với thời hạn cho vay để đầu tư xe buýt hiện nay là 7 năm (trùng với thời hạn trúng thầu khai thác tuyến) chỉ đủ để doanh nghiệp trả hết vốn và lãi vay, không có lợi nhuận. “Với chính sách như hiện nay, các đơn vị không mặn mòi đầu tư xe buýt. Chỉ những người có tiền dư mới đầu tư xe buýt, người đi vay không dám đầu tư vì sợ lỗ”, ông Hải nói. Theo ông Hải, để khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn đổi mới phương tiện, nhà nước cần có chính sách rõ ràng hơn. Đặc biệt, đối với xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, rất có lợi cho môi trường, nhà đầu tư đang hào hứng, đây là cơ hội để TP.HCM đổi mới, thay thế toàn bộ hệ thống xe buýt. Thế nhưng, giá xe CNG hiện cao gấp đôi xe buýt chạy dầu (TP.HCM là 125.000 USD/xe, Hà Nội là 350.000 USD/xe) đang cản trở việc đưa loại hình xe này vào hoạt động vận tải hành khách công cộng. “Nếu không có chính sách phù hợp, xe buýt TP sẽ lại chỉ quanh quẩn loại chạy dầu với tiêu chuẩn khí thải Euro 2, rất lạc hậu, trong khi chủ trương của TP.HCM là xây dựng đô thị xanh, sạch, đáng sống”, ông Hải nói và cho rằng ngoài chính sách lãi suất hợp lý, nhà nước cũng cần có chính sách miễn giảm thuế phụ tùng, linh kiện lắp ráp bình gas, máy móc, thiết bị xe gas...
Bên cạnh đó, trước đây do giá dầu cao nên nhà đầu tư mua xe CNG còn trông chờ vào khoản chênh lệch 30 - 40% giữa giá CNG và dầu diesel, nhưng hiện giá dầu đã giảm mạnh nên họ trở nên dè dặt hơn. “Để khuyến khích đầu tư xe CNG, nhà nước cần trợ giá xe CNG cao hơn xe buýt chạy dầu; tăng thời hạn sử dụng xe CNG hơn mức 20 năm hiện nay. Vấn đề đầu tư các trạm nạp CNG cũng cần lưu tâm vì TP.HCM chỉ mới có 4 trạm khiến mỗi lần nạp nhiên liệu, xe buýt phải di chuyển xa, nhiều khi giữa đường xe hết gas phải thuê xe kéo, rất vất vả”, ông Hải kiến nghị.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, TP.HCM đang thiếu chương trình nghiên cứu một cách khoa học, trung thực về thực trạng hệ thống xe buýt. Để xe buýt phát triển, ông Sanh cho rằng TP phải có chính sách thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận tải tham gia đầu tư xe. “Muốn vậy phải tạo cơ chế hấp dẫn, hình thành thị trường cạnh tranh để thu hút doanh nghiệp, hành khách đồng hành cùng xe buýt. Trước mắt cần chỉnh sửa lại những điểm lỗi thời của đề án cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Sanh nói.
Tương tự, ông Lê Trung Tính cho rằng TP cần điều chỉnh mức hỗ trợ lãi vay, miễn đấu thầu luồng tuyến trong thời gian 5 - 7 năm cho nhà đầu tư mua xe buýt mới...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.