Xuất khẩu gỗ dăm mắc kẹt

06/07/2016 12:53 GMT+7

Gần 80 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, vận chuyển gỗ dăm các tỉnh phía Bắc vừa có đơn kiến nghị lên Thủ tướng về những quy định ngặt nghèo trong việc cấp phép tàu chuyên chở dăm gỗ , khiến vận chuyển, xuất khẩu bị đình trệ.

Không có phương tiện nào được cấp phép
Theo các doanh nghiệp, hơn nửa năm nay, tuy nhu cầu vận chuyển gỗ dăm lớn nhưng không có tàu nào được cấp phép. Để xuất khẩu, họ phải chuyển sang thuê ô tô chở hàng từ Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… về Cảng Cái Lân với giá đội lên gấp 3 lần. Lý do là vì từ nửa cuối năm ngoái, Cục Đăng kiểm VN yêu cầu, phương tiện thủy nội địa chở gỗ dăm sẽ phải đáp ứng tính kín thời tiết. Tiêu chí này đòi hỏi các phương tiện phải có nắp hầm chịu lực và đóng kín khi xếp gỗ lên trên; doanh nghiệp phải thiết kế phương tiện cho việc chở dăm gỗ trên cao và trình lên Cục Đăng kiểm VN phê duyệt, cấp phép mới được hoạt động. Lý giải cho quy định này, theo Cục Đăng Kiểm, sẽ hạn chế được nguy cơ mất an toàn cho phương tiện trong trường hợp có mưa, nước sẽ ngấm vào dăm gỗ làm tăng trọng lượng hàng.
"Rất khó để hoán cải các tàu đang chở để đáp ứng các quy chuẩn mới, trong khi các doanh nghiệp vận tải cũng không thể đóng riêng một loại tàu chỉ để chuyên chở mặt hàng này. Vì vậy trên thực tế không có một phương tiện nào phù hợp để được cấp phép", một doanh nghiệp cho biết.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, độ ngậm nước của gỗ chủ yếu tập trung ở vỏ cây, còn dăm gỗ thì đã được bóc bỏ vỏ. Đây là mặt hàng nhẹ và trong trường hợp ngấm nước thì trọng lượng tăng cao nhất cũng không vượt quá 18%. Trong khi đó, cơ quan quản lý có thể yêu cầu phương tiện đảm bảo tính kín thời tiết bằng bạt che như nhiều tàu chở hàng khác. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị cho phép tàu chở dăm gỗ được điều chỉnh quy định về việc đóng nắp hầm hàng cứng bằng việc phủ bạt che kín và chằng buộc để đảm bảo an toàn.
Chỉ có giải pháp tạm thời
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, trong văn bản vừa gửi về Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm vẫn khẳng định, quy chuẩn quốc gia và các nước trên thế giới đều bắt buộc tàu hàng phải có nắp hầm, trừ tàu chở bùn có cửa xả đáy. Cục Đăng kiểm tính toán, khi không có nắp hầm và bị nước lọt vào thì khối lượng chuyên chở sẽ tăng nhiều, gây quá tải vì độ ngấm nước của gỗ xẻ là 25% trong khi gỗ chưa xác định được hệ số rỗng (ngấm) sẽ phải tính với 3 giá trị là 25%, 40% và 60%. “Việc bỏ nắp hầm để phủ bạt theo kiến nghị của doanh nghiệp khi vận chuyển gỗ dăm còn có nguy cơ mất an toàn cao”, Cục Đăng kiểm cho hay.
Trao đổi thêm với Thanh Niên, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng Kiểm VN) cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước mắt, Cục sẽ báo cáo Bộ GTVT kèm theo phương án xem xét thay thế nắp hầm bằng phủ bạt, nhưng cần đạt yêu cầu không cho nước lọt vào hầm hàng, đồng thời tiến tới đưa vào trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. “Trong thời gian đó, chúng tôi kiến nghị giải pháp tạm thời là cho thay thế phủ bạt áp dụng với tàu sông, tức là tàu hoạt động trong khu vực kín gió. Còn với tàu biển hoặc ven biển thì không thể”, ông Học nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Bùi Văn Ái - Viện Khoa học Lâm nghiệp VN cho biết, độ giãn nở của dăm gỗ có biên độ rất dài, có thể từ 18 - 40% tùy theo việc hút nước hay không khí và thời gian ngấm. Tuy nhiên, nếu vì tính không kín thời tiết nên hút nước mưa trong một thời gian ngắn, thì độ ngấm nước của dăm gỗ chỉ khoảng từ 18 - 20% chứ không thể lên đến con số 40 hay 60% được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.