Mùa đại hội cổ đông năm nay vừa bắt đầu nhưng cũng khiến các cổ đông nức lòng với mức chia cổ tức cao. Đặc biệt, với lượng cổ phần lớn, nhiều đại gia đã đút túi hàng trăm tỉ đồng cổ tức "tiền tươi thóc thật".
Tập đoàn Hoa Sen chia cổ tức tới 75% - Ảnh: Thùy Trang |
Có hơn 100 tỉ tiền mặt
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố trả cổ tức tỷ lệ 75% cho niên độ tài chính 2014 - 2015 (từ ngày 1.10.2014 - 30.9.2015) trong đó cổ đông nhận bằng tiền mặt theo tỷ lệ 25%, tương ứng mỗi cổ phiếu (CP) nhận được 2.500 đồng và 50% trả bằng CP. HSG hiện có khoảng 131 triệu CP đang lưu hành và tổng số tiền công ty chi trả cổ tức đạt 330 tỉ đồng, lấy từ lợi nhuận sau thuế.
Đây cũng là năm HSG đạt lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 năm qua. Trong đó, riêng bản thân ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HSG, đang sở hữu gián tiếp thông qua 2 công ty con 43,9 triệu CP sẽ nhận được gần 110 tỉ đồng tiền mặt và gần 22 triệu CP mới, tương đương thêm 770 tỉ đồng theo thị giá của HSG đang giao dịch trên sàn là 35.000 đồng/CP.
Tương tự, Công ty cổ phần FPT công bố trả cổ tức bằng tiền mặt 20% và 15% bằng CP sau khi lợi nhuận năm 2015 tăng mạnh so với năm trước đó. Để chi trả mức cổ tức này, FPT chi tổng cộng gần 795 tỉ đồng khi đang có hơn 397,4 triệu CP đang lưu hành. Riêng bản thân ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT, đang sở hữu hơn 28,3 triệu CP cũng bỏ túi được gần 57 tỉ đồng tiền mặt và hơn 4,2 triệu CP mới, tương đương với hơn 206 tỉ đồng khi FPT đang có giá 48.700 đồng/CP. Người nhận cổ tức cao tiếp theo là cá nhân ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT, đang sở hữu 14,78 triệu CP được chia hơn 29,5 tỉ đồng. Mức cổ tức bằng tiền mặt 20% cũng được FPT đưa vào kế hoạch kinh doanh cho năm nay.
Một đơn vị khác cũng lần đầu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt là Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) với tỷ lệ 15%. Dù mỗi CP chỉ nhận được 1.500 đồng nhưng với số lượng hơn 146,88 triệu CP đang lưu hành, MWG phải bỏ ra hơn 220 tỉ đồng. Cá nhân ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp gần 22 triệu CP sẽ nhận được hơn 33 tỉ đồng tiền mặt. Việc chi cổ tức của MWG cũng mang lại cho Quỹ Mekong Fund II khoản tiền mặt 24 tỉ đồng khi đang sở hữu 16 triệu CP. Kế đến là ông Trần Lê Quân, thành viên Hội đồng quản trị và là một trong những người sáng lập MWG, đang sở hữu gián tiếp 14,48 triệu CP cũng sẽ nhận được hơn 21,7 tỉ đồng...
Tiền mặt hấp dẫn nhà đầu tư
Theo thống kê của Vietstock, có 507 DN niêm yết thực hiện thanh toán cổ tức bằng tiền cho cổ đông trong năm 2015, trong đó các đơn vị mạnh tay chi "khủng" cho cổ đông với tỷ lệ trên 60% khá phổ biến. Riêng trường hợp Tập đoàn Kinh Đô (KDC) chi đến mức 210% bằng tiền mặt đã gây xôn xao thị trường chứng khoán. Cụ thể, cổ tức được chia với tỷ lệ 10% cho đợt 1/2014 và 200% cho năm 2015 sau khi đã hoàn thành thương vụ bán cổ phần tại Công ty Kinh Đô Bình Dương cho tập đoàn Mỹ.
Với 235 triệu CP đang lưu hành, KDC đã phải dùng nguồn tiền mặt khoảng hơn 5.000 tỉ đồng, tương đương doanh thu đạt được trong một năm. Việc chia ngoạn mục này đã mang lại cho ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch Tập đoàn Kinh Đô kiêm Tổng giám đốc công ty hơn 330 tỉ đồng tiền mặt.
Trong khi đó, một DN chỉ có vốn điều lệ hơn 30 tỉ đồng là Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) cũng chia cổ tức bằng tiền mặt lên đến 80% và dự kiến sẽ tiếp tục chia thêm sau khi họp đại hội cổ đông sắp tới. Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài cũng là đơn vị luôn mạnh tay chi cổ tức cho cổ đông và mức chi trong năm 2015 là 100%. Với hơn 26 triệu CP đang lưu hành, công ty này sẽ chi ra hơn 260 tỉ đồng.
Liên tục trong các năm từ 2011 - 2014, Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài luôn có mức cổ tức trên 100% và đỉnh điểm là năm 2013 với mức trả cổ tức 236% (bao gồm 166% tiền mặt và 70% CP). Hay Công ty Công viên nước Đầm Sen cũng thông qua kế hoạch chi trả cổ tức và CP thưởng năm 2015 với tỷ lệ lên đến 90%, trong đó tiền mặt chiếm 47% và 43% bằng CP.
Đây cũng là DN thường xuyên quyết định chi trả cổ tức cao bằng tiền tươi thóc thật trong nhiều năm qua... Năm 2015 còn khá nhiều DN chi trả cổ tức ở mức “khủng” như Công ty kỹ thuật và ô tô Trường Long (HTL) trả ở mức 100%, trong đó chia 50% bằng tiền và 50% bằng CP. Hay Công ty sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) chia đến 80% bằng tiền mặt trong năm 2014 và năm 2015 dự kiến cũng sẽ ở mức 50% trở lên…
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, các DN chia cổ tức bằng tiền mặt luôn được nhà đầu tư đánh giá cao. Bằng chứng là khi thông tin này được công bố thì giá CP luôn có xu hướng tăng mạnh khi nhiều nhà đầu tư bỏ tiền mua vào. Điều đó chứng tỏ tình hình kinh doanh của DN đó ổn định, đạt hiệu quả hơn những đơn vị có lợi nhuận đột biến và chỉ trả cổ tức cao được một kỳ.
Bình luận (0)