Dân Venezuela bay qua Mỹ để mua... giấy vệ sinh

30/09/2016 14:44 GMT+7

Ngoại tuổi lục tuần, bà Carmen Mendoza vẫn đến New York để thăm con gái Anabella rồi mua giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng, đậu, bột ngô, cá ngừ, mayonnaise và thuốc aspirin.

Theo CNN, Mendoza năm nay 66 tuổi và không tìm thấy các loại hàng hóa cơ bản tại quê hương Venezuela. Quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo sâu sắc. Người Venezuela chịu đựng tình trạng thiếu thực phẩm, y tế nghiêm trọng trong khi tỷ lệ phạm tội gia tăng và nhiều cuộc biểu tình lớn đòi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từ chức diễn ra .
Mendoza dành một tháng qua ở New York với con gái và nhận ra mình vô tình quên đi những thứ rất bình thường. Tại quê nhà, bà sống mà không dùng giấy vệ sinh trong tháng 7, sử dụng khăn giấy ăn để thay thế. Đến Mỹ, Mendoza cố không khóc khi thấy các kệ thực phẩm đầy ắp, rau tươi và trái cây - cảnh tượng hiếm thấy ở Venezuela hiện nay.
“Mắt tôi nhòe. Bạn quá vui khi bạn tìm thấy thứ gì đó cơ bản như sữa”, bà Mendoza nói, kể về chuyến đi đến cửa hàng Whole Foods.
Mendoza không phải người duy nhất cảm thấy thế. Khoảng nửa triệu người Venezuela đến Mỹ vào năm ngoái. Ngày càng nhiều dân Venezuela ở Mỹ cho hay bạn bè, gia đình họ đến đây để mua nhu yếu phẩm nếu có khả năng.

tin liên quan

Venezuela thiếu thức ăn đến mức nào?
Bạn kể ra thứ gì, Venezuela thiếu thứ đó: Thịt, cá, trái cây, đường, bánh mì. Chính phủ Venezuela không đủ tiền chi trả cho thực phẩm.
Mendoza cùng một doanh nhân công nghệ khác tên Beatriz Ramos cho rằng cuộc sống ở Venezuela sẽ không tệ thế này mãi, nhưng cũng chẳng lạc quan rằng tình hình sẽ sớm cải thiện. Một số người Venezuela, chẳng hạn như chủ nhà hàng Ernesto Chang tin rằng cuộc sống sẽ không khá hơn trong ít nhất 5 năm nữa. Ông đưa vợ và con đến Mỹ vào tháng 9 để xoay sở trước tình trạng thiếu hụt. Ông dành dụm trong hai năm để có tiền đưa gia đình đến Mỹ.
Chang và gia đình ông bay sang Miami, lên tàu Amtrak để đến New York, dừng lại vài giờ ở Orlando để cho con họ thăm Disney World. Ở cùng với anh em tại thành phố New York, Chang nhận ra khủng hoảng Venezuela tác động đến con ông thế nào.
“Dù những đứa trẻ ngây thơ, chúng cứ liên tục hỏi tôi mỗi lần chúng tôi đến siêu thị “Tại sao các siêu thị Venezuela không như thế này?”. Tôi mong tôi có thể đem mọi thứ về nhà, từ thực phẩm đến thuốc men”, chủ nhà hàng người gốc Hoa nói. Trước chuyến đi Mỹ, con trai hai tuổi của ông bị ốm. Ông đi đến bảy nhà thuốc nhưng tất cả đều hết penicillin. Cuối cùng, hàng xóm phải cho ông thuốc. Giờ đây Chang đang tích trữ Tylenol, sữa bột, đậu lăng, xà phòng và một số mặt hàng khác.
Chang và Mendoza đều cho hay mình thuộc tầng lớp trung lưu ở Venezuela. Họ ăn mặc chỉn chu, nói tiếng Anh và dùng iPhone. Chồng bà Mendoza là nhà ngoại giao trong thập niên 1970 và cả hai từng có ba năm sống tại London (Anh). Ông Chang thì tốt nghiệp Đại học Baruch ở New York vào năm 1994, đến định cư Venezuela năm 2000.
Đặt chân đến Mỹ là hành trình ác mộng, họ cho biết. Không có chuyến bay thẳng và không có hãng hàng không nào bay tới Mỹ mà chấp nhận dùng đồng bolivar - nội tệ Venezuela. Du khách phải dùng tiền mặt tiết kiệm hoặc cậy nhờ người thân ở Mỹ.
Bà Mendoza là gia sư cho học sinh trung học có nhu cầu đặc biệt, kiếm 150 USD/tháng. Bà từng dạy từ bảy đến tám học sinh mỗi ngày, song giờ đây chỉ còn có ba hay bốn học sinh. Một số gia đình không thể trả học phí đúng hạn. Về phần Chang, ông kiếm được 60 USD/tháng với vài công việc: quản lý nhà hàng gia đình, làm việc tại ngân hàng và giúp nhà nhập khẩu thực phẩm địa phương. 5 năm trước, khi kinh tế Venezuela không nhiều khó khăn, ông kiếm được 200 USD/tháng. Đó là số tiền đủ sống.
Thu nhập của cả hai bị bào mòn bởi lạm pháp phi mã. Chỉ trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát Venezuela tăng hơn 700%. Chính phủ quốc gia Nam Mỹ thì không cung cấp số liệu đáng tin cậy. Dù lương có tăng nhanh thế nào, giá cũng sẽ chạy nhanh hơn.
Mendoza từng ước mình sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi này, song vì đã bị trộm hai lần và cạn kiệt tiền tiết kiệm, bà phải tiếp tục làm việc. Con gái bà là Anabella giúp bà trang trải một phần chi phí của chuyến đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.