Hiểm họa chiến tranh tiền tệ: Ẩn số bản vị vàng

15/08/2015 06:00 GMT+7

Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ chỉ là một bước ngoặt mới trong cuộc chiến tiền tệ bắt đầu cách đây nhiều năm, theo một số chuyên gia.

Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ chỉ là một bước ngoặt mới trong cuộc chiến tiền tệ bắt đầu cách đây nhiều năm, theo một số chuyên gia.

Chiến tranh tiền tệ đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi trên thế giới - Ảnh: ReutersChiến tranh tiền tệ đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi trên thế giới - Ảnh: Reuters
Hãy tưởng tượng một cuộc chiến tranh giả lập mà các bên tham chiến không được sử dụng súng, bom và tên lửa. Vũ khí họ có trong tay là những công cụ tài chính như chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ, thương phẩm... Một cuộc diễn tập chiến tranh như thế từng được Lầu Năm Góc tổ chức tại một phòng thí nghiệm tối mật năm 2009.
Luật sư James Rickards, một chuyên gia tài chính có 35 năm lăn lộn tại Phố Wall, là một trong những người tham gia chính. Cuộc diễn tập chiến tranh tài chính đầu tiên trong lịch sử này được ông mô tả kỹ lưỡng trong cuốn Currency Wars: The Making of the Next Global Crisis (tạm dịch: Chiến tranh tiền tệ: Cuộc khủng hoảng toàn cầu kế tiếp đang thành hình) xuất bản năm 2012.
Những người tham gia khác bao gồm sĩ quan quân đội, tình báo, quan chức Bộ Tài chính, Cục Dự trữ liên bang (Fed), chuyên gia tài chính…, được chia vào 6 đội: Mỹ, Trung Quốc, Nga, châu Âu, Vành đai Thái Bình Dương (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, VN…) và cuối cùng là các ngân hàng và quỹ đầu tư.
Rickards “chơi” cho đội Trung Quốc, phía vạch ra kịch bản liên kết với Nga và sử dụng lượng vàng cả hai cùng tích trữ để phát hành một đồng tiền mới dựa vào vàng và quay lưng lại với USD. Hay nói cách khác, 2 thế lực này đang muốn quay trở lại với một hình thức bản vị vàng từng bị kết liễu vào năm 1971. Những bước đi có thể xảy ra là Nga tuyên bố chỉ chấp nhận thanh toán bằng vàng cho dầu khí xuất khẩu, rồi đến lượt Trung Quốc “siết sợi dây thòng lọng quanh cổ USD”.
“Một số người đã cười nhạo chúng tôi khi ấy. Nhưng từ lúc đó, mọi thứ thực sự diễn ra theo đúng cách mà chúng tôi cảnh báo Lầu Năm Góc từ năm 2009”, Rickards nói vào năm 2014, khi Trung Quốc và Nga bắt đầu đẩy mạnh việc tích trữ vàng cũng như xích lại gần nhau về kinh tế.
Chiến tranh tiền tệ lần 3
Theo Rickards, những diễn biến trên là một phần cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 3, đã được khai mào cách đây hơn 5 năm khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo về Sáng kiến xuất khẩu quốc gia trong Thông điệp liên bang vào tháng 1.2010, với mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu trong 5 năm. “Cách quen thuộc và nhanh nhất để đẩy mạnh xuất khẩu luôn là hạ giá đồng tiền”, Rickards viết.
Cũng trong năm 2010, Fed triển khai gói Nới lỏng định lượng (Quantitative easing) thứ hai, tức tiếp tục bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính. “Bằng cách sử dụng nới lỏng định lượng để gây lạm phát ở nước ngoài, Mỹ đẩy cao cấu trúc chi phí của hầu hết các nước xuất khẩu lớn và nền kinh tế mới nổi trong cùng một lúc”, theo Rickards. Và như vậy, cuộc chạy đua đã bắt đầu, với những vòng phá giá cạnh tranh mới, khiến Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega phải thốt lên vào tháng 9.2010: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế”.
Nhiều nhà báo chuyên về tài chính có cùng quan điểm với ông Mantega và củng cố nó bằng cách chỉ ra những đợt can thiệp của nhiều nước nhằm giảm tỷ giá hối đoái khi ấy, bao gồm Trung Quốc, Nhật, Colombia, Israel và Thụy Sĩ. Cột mốc trên cũng được một số chuyên gia nhắc lại khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ trong tuần này. “Chúng ta đã ở trong cuộc chiến tranh tiền tệ. Trung Quốc đang chuyển dịch đồng tiền của họ, và các quốc gia khác cũng đang sử dụng đồng tiền làm công cụ trút bớt áp lực, điều đó có tiềm năng gây bất ổn”, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Stephen S.Roach tại Viện Các vấn đề toàn cầu Jackson, Đại học Yale (Mỹ) nói với tờ The New York Times ngày 14.8.
Theo Rickards, chiến tranh tiền tệ diễn ra liên tục trên toàn cầu, tại mọi trung tâm tài chính lớn, giữa giới chủ ngân hàng, nhà buôn, chính khách và các hệ thống tự động, “khiến số phận của những nền kinh tế và những công dân treo lơ lửng”. Sẽ không có ai an toàn với cuộc chiến lần thứ 3 nhưng nó chủ yếu diễn ra trên 3 chiến trường chính: Đại Tây Dương giữa euro và USD; lục địa Á - Âu giữa euro và nhân dân tệ và Thái Bình Dương giữa USD và nhân dân tệ. Trong đó, chiến trường thứ 3 nhiều khả năng sẽ là nguồn gốc cho một cuộc đối đầu toàn diện.
Cuộc đột kích Nhật - Trung
Dưới góc độ chiến tranh tiền tệ, tác giả Rickards thuật lại một vụ căng thẳng ngoại giao khi Nhật Bản bắt giam một thuyền trưởng Trung Quốc bị cáo buộc đâm tàu cá vào tàu tuần duyên nước này gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 7.9.2010.
Bắc Kinh giận dữ yêu cầu Tokyo phóng thích ngay viên thuyền trưởng và xin lỗi. Khi Nhật chưa kịp phản ứng, Trung Quốc dừng toàn bộ việc xuất khẩu đất hiếm sang nước láng giềng. Đến ngày 14.9, Nhật phản công bằng một vụ phá giá đột ngột đồng yen trên thị trường quốc tế, khiến yen giảm giá 3% so với nhân dân tệ trong 3 ngày.
Nếu điều này kéo dài, xuất khẩu của Trung Quốc vào Nhật có thể bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh từ những nước sản xuất hàng giá rẻ khác. Vài tuần sau đó, tình hình được dàn xếp, viên thuyền trưởng được thả, Nhật đưa ra lời xin lỗi chiếu lệ, yen bắt đầu tăng giá và nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc được nối lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.