Nước nào chiến thắng khi Mỹ thụt lùi?

20/10/2016 22:01 GMT+7

Bài viết dưới đây là nhận định của Giáo sư Eswar Prasad thuộc trường Dyson ở Đại học Cornell. Ông là hội viên thâm niên tại Viện Brookings và là tác giả quyển sách Đồng tiền thắng cuộc: Sự nổi lên của nhân dân tệ .

Cả bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều thể hiện rõ ràng, dù ở mức độ khác nhau, về mối nghi ngại của họ dành cho các hiệp định thương mại lớn. Ông Trump đi xa hơn, nghi hoặc vài mối quan hệ bền vững và có giá trị nhất của Mỹ với các nước khác. Dù một phần lập luận trên có thể được cho qua vì đây là lối nói khoa trương dùng cho chiến dịch tranh cử tổng thống, hậu quả của các ý kiến rất lớn. Tại thời điểm tái sắp xếp kinh tế và chính trị toàn cầu, Mỹ đang có nguy cơ xa lánh các đồng minh, kích động bất ổn trong mối quan hệ của mình với nhiều đối tác thương mại lớn.

tin liên quan

Trung Quốc vung tiền chinh phục châu Phi
Tại Diễn đàn hợp tác châu Phi-Trung Quốc lần thứ 6 tại Johannesburg (Nam Phi), Trung Quốc quyết định viện trợ tài chính 60 tỉ USD cho châu Phi để tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
Trước đây điều này chẳng quan trọng, vì đã không có nước nào cạnh tranh được ngôi bá chủ kinh tế và chính trị của Mỹ. Song thời thế thay đổi. Nếu Mỹ tự nguyện rút khỏi thế giới, một đất nước khác ở vị thế tốt hơn sẵn sàng lấp đầy khoảng trống: Trung Quốc.
Chẳng nghi ngờ gì, Trung Quốc nhận ra cơ hội trước tâm lý chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng tại Mỹ. Cả trước khi ông Trump nói về chủ nghĩa biệt lập trong chiến dịch tranh cử, chính phủ Đại lục đã kỷ luật hơn, hiểu biết nhiều hơn trong cách tiếp cận, tham gia trên trường quốc tế.
Dù nặng tay trong một số trường hợp, chẳng hạn như việc khoanh vùng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, mặt trận kinh tế Trung Quốc giờ phát triển với chiến lược tinh vi, đa dạng hơn. Ở châu Phi, họ chuyển trọng tâm từ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên sang xây dựng đường bộ, đường sắt và cảng tối cần thiết. Không như tiền rót từ phương Tây, tài chính cho phát triển của Trung Quốc không đi kèm với chuỗi yêu cầu cải cách. Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với giới lãnh đạo lục địa đen - những người mà ông vừa cam kết là sẽ bơm 60 tỉ USD hỗ trợ tài chính: “Trung Quốc ủng hộ việc giải quyết vấn đề ở châu Phi theo cách thức và nhân lực của châu Phi”. Từ Mỹ La tinh đến Đông Nam Á, thậm chí cả châu Âu, chính sách của Trung Quốc được xem là đáng tin cậy, dễ dự đoán hơn so với chính sách của Mỹ.
Trung Quốc dốc nhiều nỗ lực để “cho ra rìa” các định chế tài chính, thương mại toàn cầu thời hậu chiến, vốn từ lâu do Mỹ thống trị. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) mở ra con đường mới để Trung Quốc gây ảnh hưởng, chứng minh sự hào phóng của họ với láng giềng. Thực tế, Đại lục được xem là nhân tố thể hiện sự hợp tác giữa các nước nhờ nhiều phát kiến nhằm mục đích gia tăng ảnh hưởng của chính họ. Bắc Kinh cố gắng tăng ảnh hưởng tại các thể chế hiện có như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nếu Mỹ vắng mặt tại hai nơi này, tầm ảnh hưởng sẽ chỉ tăng.
Nhóm các nước BRICS (gồm năm nền kinh tế lớn mới nổi: Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi), từng bị chế giễu chỉ như nơi đàm đạo giờ đây được xây dựng một cách nghiêm túc. Với sự dẫn dắt của Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và thỏa thuận dự trữ tổng hợp thu được nguồn tài chính đáng kể. Tại châu Á, Trung Quốc dùng cơ bắp kinh tế để nâng ảnh hưởng với các nước như Myanmar, Philippines. Nếu Mỹ lơ là, những nước này sẽ còn bị đẩy sâu hơn vào vòng tay Trung Quốc.
Từng chút một, điều này có thể làm suy yếu hệ thống quản trị toàn cầu được Mỹ duy trì. Dù trong nước hay quốc tế, Bắc Kinh thể hiện rõ rằng họ không có ý định thúc đẩy cùng loại giá trị mà Washington tìm cách xuất khẩu đến phần còn lại của thế giới, trong đó có dân chủ, tự do ngôn luận và quy định pháp luật. Họ khuyến khích internet có “chủ quyền”, nơi từng chính phủ có thể giới hạn những gì công dân nước nọ được truy cập trực tuyến. Họ vẽ ra hệ thống tiền tệ quốc tế, nơi mà chính phủ chủ động kiểm soát, quản lý thị trường chứ không phải đơn giản là thiết lập các quy tắc và để nó hoạt động tự do.
Dù vậy, Mỹ vẫn còn cách xa hai chữ thất bại. Mỹ vẫn là nền kinh tế năng động nhất, hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới. Đồng đô la Mỹ còn chiếm ưu thế, được hậu thuẫn bởi các thị trường tài chính sâu rộng và có tính thanh khoản nhất thế giới. Chính quyền Mỹ bằng sự minh bạch và rộng mở, được hậu thuẫn bởi sự cân bằng và thượng tôn pháp luật, tiếp tục được giới đầu tư tin tưởng.
Trong khi đó, cấu trúc chính trị Trung Quốc cứng nhắc còn nền kinh tế thì ì ạch. Kinh tế Đại lục leo lên bậc cao thứ nhì thế giới với rủi ro hệ thống ngân hàng tích lũy. Đó là chưa kể đến yếu tố môi trường bị tàn phá còn tài nguyên bị lãng phí. Thật ra, Trung Quốc có thể chịu tổn thương nhiều hơn Mỹ trong một cuộc chiến thương mại toàn diện. Việc Đại lục nửa vời trong các động thái tự do hóa tài chính cùng nền kinh tế định hướng thị trường làm tổn hại nhiều đến niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy vậy, hãy cân nhắc những bước dài mà Trung Quốc tiến được trong vài năm qua. Sức mạnh gia tăng của Trung Quốc là sự đe dọa đặt ra cho Mỹ. Trung Quốc có thể là lựa chọn không mấy tốt cho vị trí lãnh đạo toàn cầu, nhưng chẳng hề khó khăn để được nhìn nhận là quốc gia ngày càng đáng tin.

tin liên quan

Kinh tế Mỹ - Trung Quốc: 10 năm tới ai hơn ai?
Trung Quốc muốn vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Liệu điều này có khả thi trong một thập kỷ tới hay không? Bài viết này sẽ cho bạn lời giải. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.