Đó là câu chuyện khởi nghiệp của hai chàng trai sinh năm 1988 tại TP.HCM, triết lý kinh doanh mà họ theo đuổi và thành công là tạo nên sự khác biệt từ những gì gần gũi nhất.
Quán bún cá của Lương Công Gia Huy |
Thu hơn 200 triệu đồng từ gánh bún cá
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học tự nhiên nhưng những gì Lương Công Gia Huy, quê gốc Ninh Hòa, Khánh Hòa làm chẳng liên quan gì đến công nghệ.
Năm 2014, sau khi công ty riêng đi vào ổn định, có doanh thu, vợ chồng Gia Huy bàn tính kinh doanh thêm cái gì đó. “Mở quán ăn là quyết định của tụi mình và món bún cá Ninh Hòa, đặc sản quê hương là ưu tiên đầu tiên”, Gia Huy kể. Vấn đề nan giải là kinh phí mở quán ăn rất lớn, hiệu quả thì… chưa biết, lỡ quán không có khách, thua lỗ sẽ lớn. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tính toán, Gia Huy quyết định mở quán cóc.
“Đầu tư quán cóc ít, hiệu quả hay không thấy ngay, lỡ thua lỗ cũng ít. Tuy nhiên, quán cóc đầy rẫy ở Sài Gòn, bún, phở, bánh canh cũng dày đặc. Muốn có khách trước hết phải tạo nên cái lạ cho quán bên cạnh chất lượng món ăn”, Gia Huy nhìn nhận.
Thay vì bàn, ghế nhựa như thường thấy ở các quán cóc thì Gia Huy đầu tư bàn ghế gỗ, nhỏ gọn, đẹp, bắt mắt. Dàn đèn màu cam được giăng đầy trước quán, tạo nên điểm nhấn, nhân viên mặc đồng phục gọn gàng, sạch đẹp, màu áo đồng phục, màu ly, màu đèn đều màu cam - gam màu kích thích vị giác. Và quan trọng là địa điểm quán ở gần khu vực có đèn đỏ giao thông. “Nhiều người dừng lại đèn đỏ, trong lúc rảnh, họ sẽ phải nhìn vào quán khi có dàn đèn sáng trưng, thấy quán nhỏ gọn, xinh xắn và lạ là muốn vào thử. Chỉ cần thế là đã thành công được một nửa rồi”, Gia Huy thổ lộ.
Nhờ thế, chỉ sau một tuần khai trương quán đã có khách quen và cứ thế, quán bún cá của Gia Huy ăn nên làm ra, sau hơn một năm, đã có thêm hai quán nữa ra đời và trong tương lai sẽ hình thành chuỗi quán bún cá rải đều ở các quận.
Ngoài tạo sự khác biệt, tối ưu chi phí cũng là lựa chọn của Gia Huy. Mỗi quán chỉ thuê 3 nhân viên vừa bán vừa phục vụ. Quán chỉ mở cửa từ 17 - 20 giờ, đúng giờ là nhân viên thu dọn để xe đến chở hàng về. “Cái tối ưu hơn cả là sau khi quán đi vào hoạt động một thời gian, vợ chồng mình chẳng làm gì nữa. Mỗi tuần vợ chồng bỏ ra vài giờ để pha gia vị - bí quyết của quán. Căn cứ vào tỷ lệ, công thức nấu có sẵn, nhân viên tự nấu, mang ra quán bán rồi mang tiền về giao, vợ chồng mình chẳng đụng tay đụng chân, đó là cái được rất lớn”, Gia Huy hồ hởi khoe.
Bình quân mỗi quán bún có doanh thu từ 2,5 - 3 triệu đồng/ngày, mỗi tháng trừ chi phí, chuỗi quán bún mang lại cho vợ chồng Huy một khoảng lãi không nhỏ.
|
Thức uống với những viên đá đổi vị
|
Đá đổi vị của “Tùng biến thái”
Nhắc đến Trần Thanh Tùng, ông chủ của quán cà phê đang rất nổi tiếng trong giới trẻ, nhiều nhân viên của quán hay gọi anh với biệt danh “Tùng biến thái”. “Anh ấy đúng là điên lắm, điên nhưng rất “chất” nhé”, Trương Mai Khanh, nhân viên của quán cho biết.
Từ cái điên, cái chất ấy, khi bước vào quán, khách sẽ vô cùng thích thú từ lúc… nhìn menu. “Vãi cả chua”, “mát rười rượi”… là tên của những thức uống khiến khách tò mò. “Từ tên gọi, cách pha chế… đều do nhân viên của quán nghĩ, sáng tạo nên, cái gì càng lạ, càng “điên” càng được ưu tiên để phát triển”, Trần Thanh Tùng nói.
Và món đá đổi vị là một trong những khác biệt mới nhất trong số rất nhiều cái khác mà quán này mang lại.
Trần Thanh Tùng kể mùa hè năm nay, trời nóng gắt, nhiều khách phàn nàn đá bỏ vào thức uống tan rất mau, ly cà phê, ly nước trái cây để một tí đã trở nên nhạt thếch. Từ thực tế đó, bộ phận sáng tạo của quán phải vắt óc suy nghĩ cách để khắc phục và đá đổi vị ra đời từ đó.
Đá đổi vị thực ra là đá được làm từ cà phê, từ các loại nước uống mà quán đang có. Với một ly cà phê đá, nếu trước đây chỉ có cà phê và đá tinh khiết thì nay sẽ được thêm một viên đá to có vị cà phê. Khách cứ thế nhâm nhi, ly cà phê để càng lâu, đá cà phê càng tan, vị cà phê càng thấm, không ngại việc ngồi nói chuyện quá lâu, thức uống của mình sẽ bị nhạt đi.
Với thức uống có tên “vãi cả chua” sẽ có thêm vài viên đá được làm từ hỗn hợp nước tắc, sả và dưa hấu. Khách uống đến giọt cuối cùng nhưng vị thơm ngọt của nước uống vẫn đảm bảo như lúc ban đầu nhờ vào sự tan chảy dần dần của đá đổi vị.
“Sáng tạo, khác biệt từ những cái gần gũi, đơn giản nhất sẽ làm cho khách thích thú và đến với mình. Chỉ cần thế bạn đã thành công”, Trần Thanh Tùng đúc kết.
Và chính nhờ vào những cái lạ, mới ấy, quán cà phê của Tùng vừa có thêm một cơ sở mới trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài, Q.10, TP.HCM. “Đây là bước đệm để chuỗi cà phê với phương châm nghĩ điên - làm chất của “Tùng biến thái” dần dần hình thành trong tương lai”, Thanh Tùng cười nói.
Bình luận (0)