Theo Quyết định số 4390 của Bộ GTVT phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và QL1, liên danh Tasco - VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỉ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư này được cho phép thu hồi vốn trong 20 năm (theo dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu phí các dự án BOT.
|
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng Tasco xung phong làm thí điểm đầu tiên thu phí không dừng theo công nghệ mới RFID, Bộ GTVT đã xin Chính phủ cho chỉ định thầu. “Bộ làm đúng quy định, công khai minh bạch trong lựa chọn liên danh Tasco - VETC, không sai quy định nhà nước”, ông Trường khẳng định.
“Đòi” thêm hơn 300 tỉ
“Xung phong” thí điểm nhưng lợi ích mà Tasco - VETC thu được không hề nhỏ khi trong 3 năm đầu tiên, kể từ năm 2016, nhà đầu tư được hưởng mức thu phí không dừng bằng số làn thu phí tự động không dừng (ETC)/tổng số làn thu phí nhân với mức phí quản lý tổ chức thu phí của nhà đầu tư BOT. Từ năm thứ 4 đến năm thứ 8, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 8% tổng doanh thu của trạm. Từ năm thứ 9 - 13, giá dịch vụ thu phí ETC bằng 9% tổng doanh thu trạm và từ năm thứ 14 trở đi, bằng 10% tổng doanh thu trạm. Nói cách khác, nếu chia bình quân tổng mức đầu tư dự kiến cho 28 trạm BOT hiện nay, Tasco - VETC đầu tư thêm gần 52 tỉ đồng/trạm, nhưng sẽ được hưởng từ 8 - 10% tổng doanh thu phí của các dự án BOT trong gần 20 năm.
Để thúc tiến độ triển khai thu phí không dừng, trong nhiều cuộc họp, Bộ GTVT gây “sức ép” khi nhiều lần yêu cầu và ra tối hậu thư với các nhà đầu tư dự án BOT phải ký phụ lục hợp đồng với Tasco - VETC để lắp đặt thu phí không dừng. Với lý do mốc thời hạn chót vào 30.6 phải lắp đặt xong 1/2 số làn tự động ETC tại 28 trạm thu phí, Tasco - VETC "đòi" được bổ sung thêm 15 triệu USD (hơn 300 tỉ đồng) vào tổng mức đầu tư dự án vì phải huy động một lượng lớn chuyên gia nước ngoài để triển khai thực hiện nên phát sinh chi phí.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT từ chối “yêu sách” này nhưng đã chấp nhận giãn tiến độ khi cho phép dời mốc lắp đặt trạm ETC đến 30.9.2016 để không làm tăng tổng mức đầu tư. “Tasco - VETC đóng vai trò như công ty thu phí hộ, chi phí liên danh này hưởng cũng là chi phí mà các trạm BOT dành riêng cho việc thu phí (bình quân từ 6 - 8%). Thay vào bộ máy cồng kềnh với nhiều nhân sự thì chuyển sang nhà đầu tư BOO. Sau khi Tasco quyết toán dự án, nếu chi phí thấp hơn sẽ tính toán lại, nhưng trước mắt được hưởng ngang chi phí”, ông Trường nói.
Tuy nhiên, theo Quyết định 4390, trường hợp mức chênh lệch doanh thu thực tế tại các trạm thu phí so với hợp đồng BOT không đủ bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu, sẽ kéo dài thời gian thu phí của các dự án BOT sau khi đã hoàn vốn để bù đắp giá dịch vụ thu phí ETC còn thiếu.
Đấu thầu để tránh lợi ích nhóm
Với hơn 70 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, không chỉ Tasco - VETC, một số nhà đầu tư cũng đang có ý định nhảy vào thị trường tiềm năng này. Mới đây, Công ty CP đầu tư công nghệ hạ tầng Viettin (liên danh giữa Công ty CP Đèo Cả và Ngân hàng VietinBank) cũng đã trình đề án BOO xây dựng hệ thống thu phí không dừng tại 52 trạm BOT từ miền Trung vào miền Nam lên Bộ GTVT. Trong giai đoạn từ nay đến 2018, Viettin sẽ lắp đặt tại 38 trạm BOT với kinh phí hơn 2.000 tỉ đồng, giai đoạn 2 là 14 trạm với kinh phí hơn 1.200 tỉ đồng. Nhà đầu tư này cũng dự tính thu phí với mức thu như của liên danh Tasco - VETC trình trước đó. Bộ GTVT cũng đã đồng ý về chủ trương và yêu cầu nhà đầu tư này hoàn tất các thủ tục đầu tư.
Lý giải việc sử dụng hình thức BOO cho các dự án thu phí không dừng, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng một công ty thực hiện thu phí sẽ làm tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng. Nhiều công ty làm sẽ khó kết nối được, chi phí lớn. Bộ không áp đặt, từng nhà đầu tư BOT vẫn có thể tự lắp đặt trạm ETC nhưng các nhà đầu tư thấy chi phí tự lắp đặt quá đắt nên đặt vấn đề nhờ Tasco - VETC thực hiện. Công ty BOO chịu sự kiểm soát của nhà nước về đơn giá hợp đồng.
Tuy nhiên, một nhà đầu tư dự án BOT cho rằng việc nhà đầu tư BOO được thu 8 - 10% doanh thu thu phí của doanh nghiệp BOT là quá cao. “Mức thu này cao hơn cả thu phí thủ công”, ông này nói và đề xuất Bộ GTVT cần tính toán kỹ thêm.
Trong khi đó, giám đốc một công ty chuyên về công nghệ đã tham gia đầu tư lắp đặt trạm thu phí không dừng ETC cho rằng, về phía quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã đưa ra công nghệ tiêu chuẩn RFID theo công nghệ Mỹ thì cần tạo sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp khác. “Cần chống độc quyền về mặt kỹ thuật và mặt giá cả. Quan trọng nhất là đưa ra một khung tiêu chuẩn chung cho các đơn vị để đáp ứng, từng trạm tự đầu tư và kết nối vào hệ thống chung không khó. Việc chỉ định độc quyền sẽ gây cạnh tranh không lành mạnh về giá cả. Ngoài ra, việc áp đặt cứng công nghệ Mỹ hay Đài Loan, sử dụng các chuyên gia nước ngoài cũng khiến giá thành đội lên. Trên cơ sở phần mềm đó, các công ty VN hoàn toàn có thể giao cho kỹ sư phần mềm trong nước viết, giá thành sẽ rẻ hơn nhiều, việc duy tu bảo dưỡng được thực hiện tại chỗ cũng sẽ làm giảm giá thành đầu tư”, vị này chia sẻ.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc cho phép triển khai các dự án BOO trong thu phí không dừng cần tránh lặp lại bài học của nhiều dự án BOT trước đây là chỉ định thầu dẫn tới thiếu minh bạch trong kiểm soát chi phí. “Đấu thầu trong trường hợp này là cần thiết để chống lợi ích nhóm tiêu cực, đội giá… Hoặc phương án khác là để cho nhà đầu tư được lựa chọn lắp đặt với đầu bài là không làm tăng tổng mức đầu tư, không kéo dài thời gian thu phí”, ông Long phân tích.
Tiết giảm chi phí 60 - 70%
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, tại Đức, nhà nước chỉ đóng vai trò ra đầu bài về mặt kỹ thuật, còn đầu tư như thế nào thì nhà đầu tư tự quyết. Vì vậy, Bộ GTVT chỉ nên đưa ra tiêu chuẩn công nghệ cho các nhà đầu tư áp dụng và đưa ra thời hạn lắp đặt trạm, không nên tham gia chỉ định thầu.
“Về nguyên tắc, lắp đặt trạm thu phí không dừng sẽ tiết kiệm được rất nhiều về mặt nhân sự so với thu phí thủ công, có lợi cho việc tiết giảm tài chính dự án. Không thể áp dụng mức chi phí bằng thậm chí cao hơn như cơ chế tài chính mà Bộ cho phép nhà đầu tư BOO thực hiện”, ông Đồng nói và cho biết, tại Mỹ nếu trả tiền qua trạm thu phí tự động sẽ tiết giảm chi phí 60 - 70% so với trả bằng tiền mặt. Cụ thể, khi di chuyển qua trạm thu phí ở Chicago, trả tiền qua thẻ chỉ mất 40 cent trong khi trả bằng tiền mặt mất tới 1,2 USD. Lý do thu tự động tiết giảm được nhiều chi phí.
|
Bình luận (0)