Làm rõ vụ chôn chất thải của Formosa trong trang trại

13/07/2016 06:29 GMT+7

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ TN-MT khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc chôn lấp chất thải của Công ty Formosa và phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trả lời Thanh Niên chiều 12.7, một lãnh đạo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở TN-MT Hà Tĩnh báo cáo toàn bộ vụ việc. Đồng thời, Tổng cục Môi trường cũng đã lấy mẫu chất thải để đưa về phòng thí nghiệm phân tích, làm rõ thành phần có chất độc hại hay không.
Chôn 100 tấn chất thải rắn
Tại Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng của tỉnh hôm qua đã vào cuộc làm rõ vụ chôn lấp rác thải được phát hiện trong trang trại của gia đình ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty môi trường đô thị TX.Kỳ Anh, gây xôn xao dư luận.
Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho biết, chiều 11.7, sau khi nhận được thông tin, lực lượng Thanh tra môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm quan trắc môi trường (đều trực thuộc Sở) đã tới hiện trường, phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an tỉnh) kiểm tra việc chôn lấp chất thải của dự án Formosa tại trang trại của ông Hòa. Khai quật tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định có khoảng 100 tấn chất thải rắn dạng bùn ép, màu đen được chôn trên diện tích khoảng 1.000 m2, trong khuôn viên trang trại rộng hàng chục héc ta. “Sở TN-MT đã lấy mẫu chất thải chôn lấp tại đây đưa ra Viện Nghiên cứu môi trường kiểm định để xác định chất thải là chất gì, độc hại ra sao”, ông Đinh nói.
Theo ông Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng TN-MT TX.Kỳ Anh, kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, tháng 4.2016, Công ty môi trường đô thị TX.Kỳ Anh do ông Lê Quang Hòa làm giám đốc có ký kết với Formosa hợp đồng thời hạn 1 năm về việc vận chuyển chất thải công trường Formosa Hà Tĩnh đến 2 nhà máy trên địa bàn đã được cơ quan chức năng cấp phép xử lý chất thải để xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế vào tháng 5, công ty này lại chở thẳng từ Formosa về chôn lấp tại trang trại nói trên.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Quang Hòa cho rằng hợp đồng ký kết với Formosa là hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp thông thường và rác thải sinh hoạt với giá 800 đồng/kg. Công ty phải vận chuyển, xử lý đảm bảo vệ sinh, phải lót vải địa, dùng hóa chất xử lý trước lúc chôn lấp. Ông Hòa biện minh rằng đây là chất thải công nghiệp thông thường, là bùn sinh hoạt, có nhiều chất dinh dưỡng phù hợp cho sự phát triển của các loại cây như chuối, cỏ, tràm… nên ông đưa về trang trại của gia đình do anh trai ông là Lê Thanh Hải đứng tên để sử dụng.
Hàng loạt cơ quan chức năng vào cuộc
Cũng trong hôm qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh phát hành văn bản hỏa tốc, yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Phòng PC49 Công an tỉnh và UBND TX.Kỳ Anh khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vụ chôn lấp chất thải của Formosa, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước 10 giờ ngày 13.7.
Sáng cùng ngày, công an tỉnh đã triệu tập ông Hòa đến cơ quan để lấy lời khai, yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến vụ việc, như nguồn gốc của lô đất (trang trại) nơi chôn lấp chất thải, hợp đồng của Công ty môi trường đô thị TX.Kỳ Anh ký kết với Formosa về việc vận chuyển chất thải từ công trường Formosa Hà Tĩnh…
Trong khi đó, sau khi khảo sát tại hiện trường hôm qua, đoàn công tác liên ngành của Sở TN-MT, Phòng PC49 Công an tỉnh đã làm việc với Formosa để làm rõ vụ việc.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C49 - Bộ Công an cho biết, C49 đã cử đoàn công tác vào Hà Tĩnh và hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương điều tra vụ việc. Cơ quan công an sẽ làm nghiêm, sai phạm đến đâu xử lý tới đó.
Quảng Trị tìm sinh kế cho dân sau thảm họa
Ngày 12.7, lần đầu tiên sau thảm họa cá chết do Formosa xả thải, tại TT.Cửa Việt (H.Gio Linh), UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị bàn phương án tạo sinh kế cho dân ở 16 xã, thị trấn ven biển do ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Nhiều phương án được nêu ra tại hội nghị: chuyển đổi cây con, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển nuôi trồng thủy hải sản, xây dựng các khu chăn nuôi quy mô lớn... Tuy nhiên, các đại biểu cũng khẳng định không vì thảm họa mà người dân bỏ biển.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Chính thông tin tỉnh sẽ hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn ven biển 200 triệu đồng và 1 kỹ sư nông nghiệp để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Ông cũng đồng ý rằng, trong tình hình hiện nay, việc bám biển cũng là yêu cầu không thể tách rời. Lâu nay, mọi người cứ hài lòng với thuyền nhỏ, cá nhỏ thì nay là cơ hội để mạnh dạn vay vốn đóng tàu vươn xa, vì bây giờ Chính phủ và tỉnh đều có chính sách hỗ trợ.
Nguyễn Phúc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.