Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen?

Công Nguyên
Công Nguyên
07/12/2023 12:21 GMT+7

Các chuyên gia pháp lý, tài chính đã chỉ ra nhiều chiêu thức, cách nhận diện để người dân không "sập bẫy" tín dụng đen. Từ đó, nêu ra các giải pháp hiệu quả nhằm kéo giảm, loại bỏ hoạt động tín dụng đen.

Sáng 7.12, Báo Người Lao Động đã tổ chức talkshow "Làm sao để không rơi vào bẫy tín dụng đen?". Talkshow với mục đích giúp người dân nhận thức rõ hơn nguy hiểm của việc vay lãi nặng; khi có nhu cầu vay thì cần vay ở đâu, thủ tục thế nào; trách nhiệm đối với khoản vay ra sao… 

Tại talkshow các chuyên gia pháp lý, tài chính đã chỉ ra nhiều hệ lụy xấu do hoạt động tín dụng đen gây ra cho xã hội, các dấu hiệu để người dân nhận biết, không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen.

Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia talkshow

CÔNG NGUYÊN

Tại talkshow, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ (Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự, Viện KSND TP.HCM) cho biết, thời gian qua hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như: khủng bố chất bẩn, gọi điện, nhắn tin đe dọa, bắt giữ người trái pháp luật… Theo đó, cơ quan chức năng đã điều tra, bắt giữ, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen. 

 TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc (Trưởng bộ môn Nghiệp vụ ngân hàng thương mại - Đại học Ngân hàng) cho biết, tín dụng đen biểu hiện qua các hình thức: dán tờ rơi nơi công cộng; vay qua các app, website; điều kiện vay dễ dàng, giải ngân nhanh chóng… để thu hút người vay. Người vay chủ yếu lao động có thu nhập thấp, ít hiểu biết về pháp luật.

Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen? - Ảnh 3.

Luật sư Vũ Phi Long và bà Vũ Thị Xuân Nhuệ tại buổi Talkshow

CÔNG NGUYÊN

Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM) cho biết, lãi suất quy định là thỏa thuận dân sự nhưng không được vượt quá 20%/năm. Thế nhưng các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng đen thì lãi suất cao gấp nhiều lần. Luật quy định nếu người cho vay mà lãi suất vượt quá gấp 5 lần so với quy định thì sẽ bị xử lý hình sự. Các tổ chức, cá nhân cho vay tín dụng đen thường núp bóng tiệm cầm đồ, công ty tài chính, hỗ trợ tài chính…

Theo các chuyên gia, để kéo giảm, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, thì chính quyền địa phương cần giám sát chặt hoạt động này tại cơ sở. Công an mở các chiến dịch điều tra, xử lý băng nhóm cho vay nặng lãi. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép phải thay đổi các hình thức, điều kiện vay để người lao động, công nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. 

Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hình thức nhận diện, hậu quả của tín dụng đen. Người dân cần trang bị kiến thức, tìm hiểu hiểu kỹ trước khi vay để tránh "sập bẫy" tín dụng đen.

Tình trạng tín dụng đen bùng nổ khiến người dân bức xúc nhiều năm qua, nhất là tình trạng cho vay tín chấp qua các ứng dụng (app). Nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy không lối thoát, bị đe dọa, khủng bố tinh thần.

Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về cao điểm tấn công tội phạm liên quan tín dụng đen, Ban giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo lực lượng công an toàn thành phố, trong đó chủ công là Phòng Cảnh sát hình sự, mở đợt tấn công truy quét tội phạm cho vay lãi nặng và các loại hình cho vay biến tướng.

Từ đầu năm đến tháng 8.2023, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 nghi can; triệt xóa 27 app (ứng dụng) cho vay tín dụng đen như: goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.