Làn sóng đình công ở Âu - Mỹ vì lạm phát, lo AI giành việc làm

Khánh An
Khánh An
30/10/2023 09:06 GMT+7

Lạm phát gây 'khủng hoảng chi phí sinh hoạt' và nguy cơ mất việc làm do trí tuệ nhân tạo (AI) khiến công nhân đình công tại nhiều nơi ở Mỹ và châu Âu.

Làn sóng đình công ở Âu - Mỹ vì lạm phát, lo AI giành việc làm - Ảnh 1.

Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW) đình công tại California hôm 26.9

AFP

Các cuộc đình công đang lan rộng khắp Mỹ và châu Âu, khi người lao động tiếp tục đối phó lạm phát và nguy cơ mất việc ngày càng tăng do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ cao khác.

Số ngày làm việc bị mất do công nhân đình công liên quan tranh chấp lao động đã tăng vọt ở Mỹ và Anh, theo Nikkei Asia ngày 29.10.

"Chúng tôi quá bận rộn với cuộc đình công và đại hội đảng Bảo thủ", theo một nhân viên thuộc một công ty xe khách đường dài tại Manchester (Anh).

Hiệp hội các tài xế tàu điện ở Anh đã đình công vào dịp hội nghị thường niên đảng Bảo thủ, diễn ra từ ngày 1-4.10. Hành khách từ Manchester đến London bằng xe buýt mất 5 giờ, hơn gấp đôi đi tàu điện lúc bình thường.

Hiệp hội đề cập điều kiện làm việc ngày càng xấu đi, khi cho rằng tiền lương thực tế đã giảm do lạm phát. Các bác sĩ và lao động thuộc một số lĩnh vực khác tại Anh cũng đình công trong tháng 10, yêu cầu tăng lương.

Tại Anh, lạm phát tăng 7,9% trong năm ngoái, mức tăng cao nhất trong 40 năm. Với lý do "khủng hoảng chi phí sinh hoạt", nhân viên trong các dịch vụ công cộng và những lĩnh vực khác đã tổ chức các cuộc đình công.

Số ngày nghỉ việc do đình công đã lên mức cao nhất trong 33 năm là 2,51 triệu ngày trong năm ngoái và dự kiến sẽ duy trì ở mức tương tự trong năm nay.

'Cô' giám đốc điều hành robot AI đầu tiên trên thế giới có được sa thải người?

Tại Mỹ, số ngày nghỉ việc do đình công tại Mỹ tính đến tháng 8 năm nay là 7,41 triệu, mức cao nhất kể từ năm 2000.

Tại Đức, các cuộc đình công đã khiến gần như tất cả các dịch vụ giao thông công cộng rơi vào tình trạng tê liệt vào cuối tháng 3. Làn sóng đình công lan rộng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và chiến sự ở Ukraine.

Nguy cơ từ AI

Các tranh chấp lao động cũng phản ánh những vấn đề về cơ cấu. Viện dẫn nhu cầu bảo vệ việc làm trước mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo (AI), Hội Nhà văn Mỹ tổ chức đình công từ tháng 5 đến tháng 9.

Hiệp hội SAG-AFRA gồm 160.000 thành viên thuộc giới nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, phát thanh sau đó tham gia đình công trong tháng 7, theo AFP. Tính chung, hơn 4,1 ngày làm việc đã bị mất trong tháng 8 tại Mỹ, mức cao nhất trong 20 năm.

Trong ngành công nghiệp ô tô, việc chuyển đổi sang xe điện đã trở thành tâm điểm trong các cuộc đàm phán lao động. Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ (UAW) hôm 6.10 quyết định hủy tiến hành thêm các cuộc đình công, sau khi hãng General Motors đồng ý cho phép các công nhân làm pin xe điện được bảo vệ theo hợp đồng công đoàn.

Nhiều chuyên gia đang tìm cách đảm bảo tăng trưởng trong tương lai, nhất là tập trung vào tác động tiềm ẩn từ việc đổi mới công nghệ đối với việc làm.

Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 5 cho rằng AI và xe điện có thể sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn về lâu dài, so với số việc làm bị cắt giảm. Tuy nhiên, WEF cũng cho rằng nhiều công nhân chưa có những kỹ năng cần thiết.

Giới phân tích cho rằng với tốc độ đổi mới công nghệ hiện nay, cả doanh nghiệp và người lao động có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn để tìm ra sự cân bằng tối ưu giữa tăng trưởng và bảo đảm việc làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.