Lắt léo chữ nghĩa: Ăn mày - hành khất - khất cái

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
22/07/2023 06:50 GMT+7

Trước hết, xin bàn về từ ăn mày. Có hai quan điểm chính về từ này: (a) Ăn mày có gốc gác từ chữ Nôm. Mày chính là lớp vảy vỏ nhẹ tênh của hạt ngô, hạt gạo; (b) Mày là lông mày. Người ăn xin quỳ lạy sát đất để cầu bố thí lâu ngày khiến lông mày của họ bị mất dần, từ đó nảy sinh cách gọi ăn mày.

Rất tiếc, nếu căn cứ vào chữ Nôm thì quan điểm (a) không chính xác, vì chữ mày (𥻡) trong mày gạo, mày ngô không liên quan gì với từ ăn mày (咹眉). Ví dụ: 姉咹眉, 㛪択被 (Chị ăn mày, em xách bị) - ngạn ngữ VN; 咹眉杜𦝬 (Ăn mày đổ ruột) - quyển Hồ Dao (1911). Nói cách khác, chữ mày (𥻡) chỉ lớp vảy vỏ của hạt ngô, hạt gạo viết khác chữ mày (眉) trong ăn mày.

Quan điểm (b) có vẻ hợp lý hơn, bởi vì chữ mày trong ăn mày có nguồn gốc từ Hán ngữ, viết là 眉 (méi), đọc theo âm Hán Việt là mi, có nghĩa là lông mày. Cha ông ta đã mượn chữ này để biến thành mày (眉) trong chữ Nôm. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu sâu hơn nữa để biết nghĩa gốc thật sự của chữ Nôm mày (眉) là gì.

Trong tiếng Việt, hành khất có nghĩa là người ăn xin, ăn mày. Song trong Hán ngữ, hành khất (行乞) ngoài nghĩa là "người ăn xin", từ này còn dùng để chỉ nhà sư cầm bình bát xin bố thí. Trong Tùy Thư, Kinh tịch chí tứ, người nam đi xin bố thí còn được gọi là tang môn (桑门), người nữ gọi là Tì kheo ni hay Tỉ khâu ni (比丘尼).

Khất cái (乞丐) cũng có nguồn gốc từ Hán ngữ. Vào thời Xuân Thu, Ngũ Tử Tư, người nước Sở, bị buộc tội mưu phản nên trốn sang nước Ngô đi khất thực. Biết Ngũ Tử Tư là người tài, một kẻ ăn xin đã kính cẩn gọi ông là khất cái (乞丐).

Khái niệm khất cái (người ăn xin) được sử dụng từ thời nhà Tống. Bộ sách Thái Bình Quảng ký cho biết, sau khi tiền giấy được sử dụng thay cho tiền đúc, những thương nhân giàu có vào buổi sáng đã trở thành khất cái trắng tay vào buổi tối. Đến đời nhà Thanh, kẻ ăn mày còn được gọi là khất nhân (乞儿), khất côn (乞棍), hoa tử (花子), khiếu hoa tử (叫花子) hay khất bà (乞婆: người đàn bà ăn xin)…

Trong các văn bản cổ của Trung Quốc, chữ khất (乞) có nghĩa là "ăn xin". Đến thời nhà Hán, chữ khất (乞) và cái (丐: cầu xin) kết hợp thành một từ, tuy nhiên, trước thời nhà Tống, khất cái chưa được dùng để chỉ người ăn xin. Theo sách Mạnh Tử, Lã Thị Xuân Thu, Liệt Tử và những sách khác, khái niệm kẻ ăn mày trước thời nhà Tống được gọi là cái (丐), cái nhân (丐人), khất nhân (乞人)... Những cách gọi này được dùng cho tới cuối thời nhà Thanh.

Ở VN, những từ như ăn xin, ăn mày, hành khất xuất hiện khá sớm, còn khất cái hiếm khi thấy trong văn bản chữ Quốc ngữ, chỉ thấy từ 乞丐 (khất cái) xuất hiện trong những văn bản Hán ngữ, ít nhất là từ thế kỷ 18, ví dụ như trong mục Hoán thanh của quyển Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh do Ngô Thì Nhậm soạn.

Ở Trung Quốc, kể từ tháng 4.2017, bên cạnh những người ăn mày cùng khổ, bất ngờ xuất hiện những kẻ gọi là phú khất cái (富乞丐, fù qǐgài), tức "ăn mày nhà giàu". Họ sử dụng mã QR (Quick Response) và máy POS (Point of Sale) để xin ăn. Điều này làm cản trở không gian sinh tồn của những người yếu thế, đang thực sự cần sự giúp đỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.