Lắt léo chữ nghĩa: 'Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ'

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
19/08/2023 07:20 GMT+7

Thật dễ tìm thấy câu "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ" trên nhiều trang mạng, tuy nhiên, cách giải thích không đồng nhất, đôi khi lại lệch xa nghĩa gốc. Vì sao?

Trước hết, cần khẳng định rằng câu Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ không phải do người Việt sáng tác, đây là câu dịch từ Hán ngữ: Bất kiến quan tài bất lạc lệ (不见棺材不落泪) - một câu có nguồn gốc từ chương 98 của quyển Kim Bình Mai từ thoại do Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh viết vào thời nhà Minh. Ở Trung Quốc còn có câu đồng nghĩa: Bất kiến quan tài bất hạ lệ (不见棺材不下泪). Cả hai câu này đều có tính ẩn dụ là "không bỏ cuộc cho đến khi thất bại hoàn toàn", nói cách khác, "cho dù lâm vào tình thế tuyệt vọng vẫn không bỏ cuộc".

Về sau, người ta giải thích câu Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ ở góc độ khác, với ý miệt thị một người luôn kiên định với những điều sai trái của bản thân. Ví dụ, thời xưa, có một ông tên là An Hồng Tiệm, rất sợ vợ. Lúc cha vợ lâm bệnh qua đời, hai vợ chồng ông về thọ tang. Vợ An Hồng Tiệm thấy chồng khóc mà không có nước mắt nên cảm thấy kỳ lạ. Bà hỏi: "Vì sao ông khóc nhiều mà không rơi lệ?". Người chồng bảo đã dùng khăn tay lau nước mắt rồi, bà vợ gằn giọng: "Khi nhìn thấy quan tài nhất định ông phải rơi nước mắt!".

Ở Trung Quốc, tiếp nối câu này là câu Bất đáo Ô giang tâm bất tử (不到乌江心不), nghĩa là "Bạn sẽ không bao giờ chết cho tới khi đến sông Ô". Chúng ta biết rằng Ô giang là nơi Hạng Vũ, vua nước Sở dùng kiếm tự sát. Câu chuyện "Ô giang tự vẫn" dần dần biến thành câu Bất đáo Hoàng Hà tâm bất tử (不到黄河心不死), nghĩa là "chưa đến (sông) Hoàng Hà thì chưa bằng lòng" hoặc "không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi không còn nơi nào để đi". Đây là câu được sử dụng trong rất nhiều tác phẩm văn chương.

Ngoài ra, còn có chuyện kể về chàng trai nghèo tên là Liễu Sinh, đến làm người hầu cho gia đình viên ngoại nọ. Viên ngoại có cô con gái xinh đẹp tên là Hoàng Oanh. Sau khi con chim hoàng yến yêu thích của cô chết, cô suy sụp từng ngày. Để Hoàng Oanh có thể cười trở lại, Liễu Sinh cố học tiếng hót của chim hoàng yến để giúp cô nguôi nỗi buồn. Thế rồi cô gái dần khỏe lại và phải lòng chàng trai. Thấy Liễu Sinh nghèo mà dám "trèo cao" đến với con gái mình, ông viên ngoại đã đánh Liễu Sinh và ném xuống sông Hoàng Hà. Hoàng Oanh mất người yêu, buồn rầu lo lắng. Bất chợt một con chim nhỏ bay ra từ trái tim của Hoàng Oanh, dẫn đường đưa cô đến Hoàng Hà, lúc đó có một con chim nhỏ khác cũng bay ra khỏi trái tim của Liễu Sinh. Đôi chim cùng nhau bay lên trời thành một cặp uyên ương. Từ đó trong dân gian xuất hiện câu Bất đáo Hoàng Hà tâm bất tử.

Nhìn chung, Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ là câu dịch từ tục ngữ Trung Quốc: 不见棺材不落泪 (bùjiàn guāncái bù luòlèi), tương ứng với câu dịch khác là Không thấy áo quan không giàn nước mắt (Từ điển Hán - Việt, NXB Văn hóa Thông tin, 1999), một câu được dịch sang tiếng Anh là Nobody has ever shed tears without seeing a coffin. Trong khẩu ngữ của người Việt, nếu câu Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ được hiểu là một sự đúc kết kinh nghiệm thì gần nghĩa với câu Chưa đi mưa chưa biết lạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.