Lắt léo chữ nghĩa: Về địa danh Thiềng Liềng

19/12/2021 09:00 GMT+7

.

Trong bài Thiềng Liềng, một địa danh ở Cần Giờ có nguồn gốc... lạ kỳ?, đăng trên Facebook của mình ngày 24.11.2021, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ đã đem đến cho chúng ta những hiểu biết bổ ích liên quan đến âm vận học cổ Trung Hoa trong công cuộc nghiên cứu về từ và hình vị tiếng Việt gốc Hán. Chúng tôi hoan nghênh những ý kiến đó. Nhưng có một vài chỗ mà chúng tôi muốn trao đổi với ông.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ thì chữ THIÊNG (trong thiêng liêng) chính là tiền thân (âm cổ Hán Việt) của âm THÀNH sau này (trong thành tâm, thành tín). Chúng tôi nghĩ khác. Theo chúng tôi - như cũng đã có vài lần khẳng định đó đây - thiêng liêng là một “từ đôi” mà cái mẫu đã có sẵn trong tiếng Hán: đó là hai chữ tinh linh [精靈], có nghĩa gốc là “quỷ quái; ma quỷ; yêu tinh; bóng ma; thần; ma”. Đi vào tiếng Việt từ một thời rất xa xưa, nó đã mang cái nghĩa mà Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là “có phép lạ như của thần linh, làm được những điều khiến người ta phải kính sợ”, rồi nghĩa bóng là “rất cao quý, đáng tôn thờ”.

Tinh [精] cũng là một chữ thuộc vận mẫu thanh [清], cũng đủ tiêu chuẩn như hai chữ thành [城 và 誠], chẳng hạn Vương Lực đã phục nguyên âm cổ của nó là tsieng (Đồng nguyên tự điển) còn Baxter & Sagart là tsjeng (Old Chinese), cũng tương ứng với âm THIÊNG. Huống chi, thanh phù thanh [靑] vừa hài thanh cho cả chữ có phụ âm đầu T (tinh [精]) lẫn chữ có phụ âm đầu TH (thanh [清]) nên đây cũng là chuyện bình thường.

Cuối cùng là cái nguyên từ (etymon) tinh linh [精靈] đã có sẵn trong tiếng Hán nên rất hợp lý.

Chúng tôi có trao đổi với TS Hoàng Dũng (Hội Ngôn ngữ học TP.HCM) về bài của bạn Nguyễn Anh Vũ thì được biết nguyên văn như sau:

“Đứng riêng về mặt ngữ âm, thì lập luận của Nguyễn Anh Vũ cho rằng Thiềng LiềngThành Linh là cùng gốc, là thuyết phục, nếu tách riêng từng từ, thành và linh; còn nếu tác giả tìm được cứ liệu cho thấy chữ thành linh từng được đọc là thiềng liềng, thì thuyết phục hơn rất nhiều. Nhưng quan trọng nhất là dẫu có chấp nhận thiềng liềng và thành linh là cùng gốc thì chưa phải đã giải quyết được vấn đề: Nguyễn Anh Vũ chưa đưa ra căn cứ nào để khẳng định địa danh Thiềng Liềng hoàn toàn không liên quan gì tới tên cây thuốc Thiền[g] Liền[g], để từ đó đề quyết Thiềng Liềng chính là Thành Linh.”

Chúng tôi nhất trí là nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ đã thành công trong việc chứng minh quan hệ từ nguyên giữa hai chữ thành [城 và 誠] với âm thiềng nhưng “chưa giải quyết được vấn đề”. Về lý, ta làm sao biết được Thiềng Liềng có tên tiếng Hán là Thành Linh cho nên đây có thể chỉ là một sự áp đặt. Thêm nữa, ngộ nhỡ Thiềng Liềng là một địa danh phiên âm từ tiếng Khmer thì sao? Chỉ khi nào ta có một bản đồ xưa mà tại địa điểm Thiềng Liềng có ghi hai chữ Hán Thành Linh [誠靈] thì chừng đó mới hoàn toàn chắc chắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.