Linh tinh cởi áo, mặc áo

05/02/2012 11:04 GMT+7

Bảo tàng nghệ thuật Orsay ở Paris (Pháp) cho phép mặc nội y vào xem tranh (!). Người ta có thể chứng kiến điều dị thường đó trên Dailymotion và nhiều trang mạng khác từ trung tuần tháng 12-2011.

1. Bảo tàng nghệ thuật Orsay ở Paris (Pháp) cho phép mặc nội y vào xem tranh (!). Người ta có thể chứng kiến điều dị thường đó trên Dailymotion và nhiều trang mạng khác từ trung tuần tháng 12-2011.

Thật ra đây chỉ là mánh tiếp thị của Hãng trang phục nữ Etam, nhằm giới thiệu bộ sưu tập nội y mới năm 2012: ba người mẫu của hãng đã thong dong đi đến bảo tàng như mọi người, nhưng khi đến phòng tranh của phái ấn tượng thì bất ngờ cởi áo khoác, khoe nội y để quay phim và video này lập tức được tung lên mạng.

Quảng cáo đồ lót
Quảng cáo “chui” ở Bảo tàng nghệ thuật Orsay

Tất nhiên, ban giám đốc của bảo tàng nổi tiếng về nghệ thuật thế kỷ thứ 19 có gửi công văn phản đối Hãng Etam đã lợi dụng cơ sở của họ để quảng cáo... chui nội y. Nhưng sự kiện này cũng cho thấy Bảo tàng Orsay, với 3 triệu người xem/năm, không có khả năng ngăn chặn điều đó và quy định cấm người xem chụp ảnh, quay phim mà ban giám đốc đề ra từ nhiều năm nay hoàn toàn không khả thi.

Được biết, sau một thời gian ngắn áp dụng quy định tương tự, Bảo tàng Louvre, với hơn 7 triệu người xem/năm, đã phải dẹp bỏ vì không đủ nhân viên để thực thi quy định.

2. Nước Pháp hằng năm có hai thời điểm được phép bán hàng hạ giá: mùa đông và mùa hè. Đầu tháng giêng vừa qua, cửa hàng Desigual bán quần áo ở thành phố Lyon đã khai trương mùa hạ giá bằng một thách thức người tiêu dùng “Mặc đồ lót đi vào, mặc quần áo đi ra!” (Entrez en sous-vêtements, sortez habillé!).

Theo đó, ai... dám đi vào cửa hàng chỉ với đồ lót thì sẽ được chọn một bộ quần áo đi ra miễn phí. Khuyến mãi này chỉ dành cho 100 khách đầu tiên, nên dằng dặc người đã nối đuôi nhau suốt đêm chỗ cửa hiệu Desigual để chờ giờ mở cửa!

Trước Lyon, Desigual từng tung chiêu tiếp thị trên ở New York (Mỹ), London (Anh) và Barcelona (Tây Ban Nha). Tại thành phố Tây Ban Nha sôi động này, Desigual đã không ngần ngại thách thức người tiêu dùng khỏa thân triệt để. Đại diện công ty giải thích: “Ở các nước phía nam dường như người ta thoát y dễ dàng hơn. Dù sao đây chỉ là sự kiện vui chơi, đùa nghịch, hoàn toàn không xảy ra hiện tượng nhìn lén bệnh hoạn”.

3. Chuyện du thuyền viễn dương Costa Concordia bị đắm ở bờ biển nước Ý vào trung tuần tháng giêng vừa qua không chỉ gây sốc, mà còn làm người dân Ý đặc biệt mặc cảm, bởi thái độ bỏ mặc hành khách trên chiếc tàu đang lật để trốn vào bờ của thuyền trưởng Francesco Schettino.

Đối với công luận Ý, Schettino trở thành biểu tượng thói hư tật xấu của người Ý là khoác lác, dối trá, hèn nhát, vô trách nhiệm. Ngược lại, người cứu được phần nào danh dự nước Ý là viên sĩ quan phụ trách kiểm soát hàng hải Gregorio De Falco - người qua điện thoại đã lớn tiếng ra lệnh cho Schettino trở lên tàu: “Đ.M... Trở lại tàu đi!” (Vada a bordo, Cazzo!).

Bắt đúng tâm lý của xã hội Ý, doanh nghiệp Lipsiasoft đã lập tức cho in câu hét bất hủ này lên áo thun và đã bán chạy như tôm tươi với giá 12,90 euro.

Trước hiện tượng bất đắc dĩ được ca ngợi như một “anh hùng”, De Falco đã phải lên tiếng đính chính: “Tôi không hề là anh hùng mà chỉ làm bổn phận. Bổn phận của tôi là cứu hộ nên tôi mới la hét đêm đó. Tôi van các bạn: Hãy quên tôi đi!”.

Khổ nỗi, người Ý đã vô thức cặp đôi tên ông với Schettino, như hai mặt sấp ngửa của đồng tiền. Và mặc áo Vada a bordo, Cazzo! trở thành phương cách biểu tình của những ai không chấp nhận sự vô trách nhiệm, hèn nhát, khoác lác, dối trá của lãnh đạo trong mọi lĩnh vực.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.