Loạn giữ xe cận Tết - Bài 2: Đục nước béo cò

15/01/2009 22:38 GMT+7

Quận 1 là trung tâm mua bán, ăn uống sầm uất nhất của TP.HCM, nhưng tại đây những bãi giữ xe công cộng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nghe đọc bài

Trên đường Lê Lợi chỉ có điểm giữ xe công cộng tại thương xá TAX và bên hông Sài Gòn Center hoặc trong Công viên 23.9. Dọc theo đường Lê Thánh Tôn cũng chỉ có 3 điểm tại Parkson, chung cư gần UBND TP, một điểm cạnh Thư viện khoa học tổng hợp nhưng chẳng đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu...

Không chỉ các trung tâm mua sắm, nhiều cơ quan nhà nước hiện cũng thiếu bãi giữ xe cho dân. Tại quận 1, do trụ sở hành chính là những căn nhà bề ngang 4-5m nên không có không gian cho các dịch vụ phụ trợ. Chẳng hạn như UBND phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, người dân muốn liên hệ công việc phải gửi xe ở Công viên 23.9 hoặc tại Đội 1 Cảnh sát giao thông trên đường Trần Khắc Nhu, Q.1.

Ở Cục Hải quan TP.HCM, mặc dù trụ sở khá to nhưng bãi xe chỉ đủ chỗ cho nhân viên, còn khách hàng đến làm việc phải gửi xe bên ngoài. Tương tự, tại Bệnh viện Ung Bướu (Q.Bình Thạnh), người dân phải gửi xe ở những bãi xe tư nhân và luôn phải chịu cảnh chèo kéo giữa nhân viên các bãi giữ xe cạnh nhau.

Phiếu giữ xe... không có giá trị nhận xe ?!

 

Phiếu giữ xe có dòng chữ “Vé này không có giá trị nhận xe”

Trong tình trạng khan hiếm bãi giữ xe, ngày càng có nhiều điểm giữ xe tự phát “mọc lên như nấm”, chẳng ai biết của cá nhân hay tổ chức, công ty nào đứng ra thực hiện. Từ thực tế này, trước đây đã từng xảy ra vụ việc: những đối tượng bất lương tự đứng ra lập bãi giữ xe rồi... “hốt” nguyên bãi đem đi bán! Còn bây giờ, chỉ cần chiếc ghế nhựa, một sợi dây dù là có thể lập ra bãi giữ xe.

Tại vỉa hè đầu đường Hàm Nghi (phía sông Sài Gòn), mỗi ngày có hai thanh niên ra đây giữ xe. Thẻ xe là một tấm giấy carton, in hình của một cô gái chừng 30 tuổi nhưng chẳng ai thấy cô ta có mặt ở đây. Gửi xe tại bãi này phần đông là người đến làm việc, giao dịch tại các công trường xây dựng kế bên. Giá giữ xe được thu... 5.000 đồng/lượt. 

Có điểm giữ xe trên đường Phan Chu Trinh, Q.1 (bên hông chợ Bến Thành), vé

 
Phiếu gửi xe của bãi xe mới xuất hiện trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1)
giữ xe không có dấu của Chi cục Thuế, điều đặc biệt là ở phía dưới phiếu giữ xe ghi dòng chữ: “Lưu ý: Vé này không có giá trị nhận xe” (???). Còn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), lợi dụng một bãi đất trống của công trường vừa giải phóng mặt bằng, một bãi xe đã mọc lên chỉ với tấm biển “Dịch vụ giữ xe 24/24”. Vé giữ xe ở đây được ghi “DV Giữ xe” của trường Đại học Giao thông vận tải. Tuy nhiên, trên vé giữ xe hoàn toàn không có con dấu của trường Đại học Giao thông vận tải mà chỉ có một hoa văn màu đỏ, không biết đó là... cái gì!

Tùy lòng hảo tâm của chủ bãi giữ xe

Không chỉ xe máy, ở Q.1, trên nhiều tuyến đường, ô tô đậu dưới lòng đường cũng phải được gửi giữ. Trước đây, các tài xế thường phải đóng tiền cho “giang hồ”, nhưng ba năm trở lại đây thì đóng cho ngân sách thông qua lực lượng giữ xe do chính quyền địa phương lập ra. Giá một lần đậu xe ít nhất là 5.000 đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có chỗ đậu.

Ban ngày những bãi giữ xe tự phát còn “lấp ló” và “hạn chế”, đêm về thì hầu hết các vỉa hè bị biến thành bãi giữ xe để thu tiền, nhất là quanh các quán nhậu, tụ điểm ăn chơi. Giá giữ xe thấp nhất 2.000 đồng/lượt, cao thì 10.000 đồng/lượt. Một người bình thường cũng có thể thấy rất rõ là một nguồn thu khổng lồ đang nằm ngoài sự kiểm soát của ngành thuế.

Giá giữ xe hiện nay được UBND TP.HCM quy định từ 1.000 đồng/xe đến 3.000 đồng/xe máy. Trước đây, theo kêu gọi của các cơ quan chức năng, hễ gặp trường hợp giữ xe quá giá, người dân nên “giữ nguyên hiện trường” và gọi điện báo cho UBND phường sở tại để được giải quyết và xử lý bên vi phạm. Tuy nhiên, xem ra ít bao giờ người dân đủ kiên nhẫn để làm cái việc chẳng đặng đừng như vậy, nhất là trong điều kiện bãi giữ xe khan hiếm như hiện nay. Và nói như một anh nhân viên giữ xe bên hông chợ Bến Thành là “không gửi thì biến, ở đây không cần” thì người dân còn phải năn nỉ, xuống giọng, thậm chí xin trả tiền cao hơn để gửi được xe mà đi lo việc của mình.

Không chỉ tư nhân, bãi xe trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng phớt lờ quy định. Theo quy chế văn hóa công sở do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, thì các cơ quan hành chính nhà nước phải có trách nhiệm bố trí khu vực để xe và không thu phí gửi xe của người đến giao dịch, làm việc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tức hơn 1 năm quy chế có hiệu lực, số công sở giữ xe miễn phí cho dân mới đếm được trên đầu ngón tay. Tại cụm các cơ quan tài chính, thuế trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, dù có sân chung nhưng hễ khách đến Sở Tài chính thì gửi xe với giá 1.000 đồng/lượt, do lực lượng thanh niên xung phong giữ, còn nếu khách vào làm việc ở Cục Thuế thì phải gửi xe bên phía bảo vệ với giá 2.000 đồng/lượt. 

Với những gì đang diễn ra trong lĩnh vực phí trông giữ xe, cho thấy kỷ cương hành chính không được thực hiện, ngay cả trong các cơ quan nhà nước. Có người cho rằng, nếu giá giữ xe do thành phố quy định trước đây không còn phù hợp thì cần có sự khảo sát, điều chỉnh và phải được quản lý để thu thuế cho ngân sách, chứ đừng để những đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân cứ chảy vào túi những chủ bãi giữ xe tư nhân bằng cái kiểu mập mờ, biển lận nhưng hết sức công khai như vậy.

Công nghệ giữ xe

Dịch vụ giữ xe hiện nay được coi là “ăn nên làm ra” nên nhiều nơi đầu tư cả “công nghệ thông tin” vào việc giữ xe, chẳng hạn như bãi xe Bệnh viện Nhân dân Gia Định hay Trung tâm Y khoa MEDIC nằm trên đường Hòa Hảo (Q.10). Tại Bệnh viện Gia Định, khi khách đem xe đến gửi, nhân viên giữ xe sẽ đánh số xe vào máy vi tính thông qua một bàn phím cầm tay. Sau đó máy tính in ra một phiếu giữ xe với số xe, giá tiền và in kèm trên đó là một bộ mã vạch tương ứng để kiểm soát khi khách nhận xe.

Lê Anh Đủ - Trần Hà Thanh

>>  Bài 1: “Không gửi thì biến!”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.