Meta ra mắt loạt sản phẩm mới giữa cuộc đua AI

29/09/2023 06:22 GMT+7

Meta đã giới thiệu các sản phẩm mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), góp phần gia tăng sức nóng của cuộc cạnh tranh giữa các "ông lớn" công nghệ thế giới trong lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Những công cụ mới

Tỉ phú Mark Zuckerberg, Chủ tịch kiêm CEO của Meta, hôm 27.9 cho biết kính thông minh Ray-Ban thế hệ mới sẽ bắt đầu xuất xưởng vào ngày 17.10, trong khi tai nghe thực tế hỗn hợp (mixed reality) Quest 3 sẽ được giao hàng từ ngày 10.10, theo Reuters. Cùng với đó, ông cũng giới thiệu một loạt chatbot AI mới được tích hợp trong các ứng dụng mạng xã hội của Meta.

Meta ra mắt loạt sản phẩm mới giữa cuộc đua AI - Ảnh 1.

Ông Zuckerberg tại hội nghị Meta Connect hôm 27.9

AFP

Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đang hy vọng các sản phẩm này sẽ giúp đưa người dùng vào cái gọi là "metaverse" (vũ trụ ảo được xây dựng dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR) kết hợp với thực tế ảo tăng cường (AR), AI, hệ thống thuật toán, các phần mềm và phần cứng, cho phép người dùng tương tác như trong đời thực), nỗ lực mà Meta đã chi hàng tỉ USD nhưng chưa thu được lợi nhuận đáng kể. "Ranh giới không gian vật lý của bạn sẽ có thể mở rộng… Bạn sẽ có thể trở thành một phần của thế giới rộng lớn hơn nhiều", báo The Wall Street Journal dẫn lời ông Zuckerberg phát biểu tại hội nghị Meta Connect, sự kiện lớn nhất trong năm của công ty.

Kính thông minh Ray-Ban thế hệ thứ hai có khả năng phát trực tiếp những gì người dùng đang nhìn thấy lên Facebook và Instagram, một tiến bộ so với khả năng chụp ảnh của thế hệ trước. Sản phẩm cũng được tích hợp Meta AI, một trợ lý ảo mới được ông Zuckerberg công bố tại hội nghị. Người dùng kính trong tương lai có thể chỉ vào các vật thể, nơi chốn mà họ đang thấy và yêu cầu Meta AI cung cấp thông tin về nó.

Được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Llama 2, Meta AI cũng có khả năng trả lời các câu hỏi của người dùng trong Messenger, WhatsApp và Instagram. Theo ông Zuckerberg, Meta AI có thể cung cấp cho người dùng thông tin theo thời gian thực thông qua hợp tác với Bing, công cụ tìm kiếm của Microsoft.

Meta cũng thông báo đang xây dựng một nền tảng mà các nhà phát triển cũng như người dùng bình thường có thể sử dụng để tạo ra các chatbot AI tùy chỉnh theo ý mình. Chúng sẽ có hồ sơ trên Instagram cũng như Facebook, và cuối cùng sẽ xuất hiện dưới dạng hình đại diện trong "metaverse". Để chứng minh khả năng của công cụ này, Meta đã tạo ra 28 chatbot với tính cách khác nhau được thiết kế theo giọng nói của những người nổi tiếng như Paris Hilton, Snoop Dogg và Tom Brady.

Ngoài ra, ông Zuckerberg còn công bố EMU, một mô hình AI có khả năng nhận lệnh (prompt) bằng văn bản từ người dùng và biến chúng thành hình ảnh trong vòng 5 giây. EMU sẽ được tích hợp trong Meta AI và sẽ được triển khai cho người dùng nói tiếng Anh trong tháng tới.

Đường đua sôi động

Meta công bố các sản phẩm mới sau khi truyền thông Mỹ hé lộ công ty đang phát triển một hệ thống AI mới có thể "mạnh hơn vài lần" so với Llama 2, với kế hoạch sẵn sàng ra mắt sản phẩm này trong năm tới. Theo báo The Wall Street Journal, Meta hy vọng mô hình mới sẽ có khả năng tương đương mô hình GPT-4 mà OpenAI, một công ty khởi nghiệp được Microsoft chống lưng, ra mắt vào tháng 3.

Thỏa thuận ở Hollywood

Các hãng phim Hollywood sẽ giữ quyền huấn luyện các mô hình AI dựa trên tác phẩm của các biên kịch theo thỏa thuận dự kiến được ký giữa hai bên, theo tường thuật của The Wall Street Journal hôm 26.9. Trong khi đó, các biên kịch cũng giành được chiến thắng quan trọng với sự đảm bảo rằng họ sẽ được đề tên tác giả và trả thù lao cho phần việc họ thực hiện trên kịch bản, ngay cả khi các hãng phim sử dụng các công cụ AI. Thỏa thuận này sẽ giúp chấm dứt một trong hai cuộc đình công khiến hầu hết hoạt động sản xuất phim và truyền hình phải tạm dừng và gây thiệt hại hàng tỉ USD cho nền kinh tế bang California (Mỹ).

Các "ông lớn" công nghệ Mỹ đã nghiên cứu về AI trong nhiều năm, nhưng cuộc đua được thúc đẩy mạnh mẽ và trở nên công khai hơn bao giờ hết sau màn ra mắt gây tiếng vang toàn cầu của ChatGPT, một chatbot AI của OpenAI, vào tháng 11 năm ngoái.

Amazon hôm 20.9 đã công bố việc tích hợp AI tạo sinh (generative AI) vào trợ lý ảo Alexa để thu hút người dùng, theo Reuters. Alexa sẽ trò chuyện tự nhiên hơn, từ bỏ giọng điệu rô bốt trong gần một thập niên, cũng như sẽ có thể làm thơ và đọc thơ. Đầu tuần này, công ty của tỉ phú Jeff Bezos cũng thông báo sẽ đầu tư tới 4 tỉ USD vào công ty khởi nghiệp Anthropic trong nỗ lực cạnh tranh về AI với các đối thủ điện toán đám mây.

Microsoft tuần trước công bố Copilot, sản phẩm AI "hợp nhất" cho nền tảng Windows 11. Copilot sẽ hoạt động trên các ứng dụng của công ty bao gồm công cụ tìm kiếm Bing, trình duyệt Edge và bộ phần mềm văn phòng Microsoft 365. Công ty cũng cho biết Bing sẽ được tích hợp DALL-E 3, công cụ AI tạo hình ảnh của OpenAI.

Trong khi đó, OpenAI cũng không ngừng nâng cấp các sản phẩm. Với lần cập nhật mới nhất, ChatGPT có thể nói chuyện với người dùng, tương tác bằng hình ảnh, qua đó đưa ứng dụng này trở thành trợ lý cá nhân tương tự như cách Siri của Apple hay Alexa của Amazon đã làm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.