Mong sớm có quy trình dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia

Đ.Huân
(tổng hợp)
26/05/2023 05:35 GMT+7

Vụ việc bệnh nhân ngộ độc botulium nhưng không có thuốc giải độc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Như Thanh Niên thông tin, đầu năm 2021, ở TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ có nhiều bệnh nhân (BN) được xác định ngộ độc botulinum. Các BN phải nằm điều trị nhiều tháng, thậm chí tử vong vì không có thuốc giải độc.

Ngày 17.4.2021, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc botulinum, trong đó có 1 lọ được tài trợ (lúc đó Bộ Y tế cho phép mua 30 lọ). Mỗi lọ có giá 8.000 USD. Tiền công vận chuyển thuốc từ Canada về là 2.500 USD (hiện nay tăng lên 6.500 USD). Sau đó, BV đã sử dụng 1 lọ để cứu BN trong vụ ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay.

Mong sớm có quy trình dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

BỆNH VIỆN CUNG CẤP

Giữa tháng 3.2023, khi xảy ra vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ chua ở Quảng Nam với khoảng 10 BN, BV Chợ Rẫy đã mang ra BV đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam 3 lọ thuốc BAT, truyền cứu các BN nặng, còn lại 2 lọ.

Trong tuần vừa qua, tại TP.HCM đã xảy ra chùm ca bệnh ngộ độc botulinum với 6 người mắc tại TP.Thủ Đức, trong đó có 3 trẻ em. BV Chợ Rẫy sử dụng 2 lọ thuốc BAT cuối cùng truyền cho 3 bệnh nhi, đến nay 2 em vẫn còn thở máy. Còn 3 BN là người lớn (18, 26 và 45 tuổi) bị ngộ độc chỉ nằm điều trị hỗ trợ, thở máy, liệt cơ do đã hết thuốc BAT.

Ngày 23.5, BV Chợ Rẫy cho biết đã có kiến nghị Bộ Y tế cho phép mua thuốc BAT để điều trị ngộ độc botulinum.

Tính mạng con người là trên hết

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng tính mạng con người là quan trọng nhất vì vậy thuốc hiếm và mắc cũng phải mua dự phòng. "Không thể để người bệnh chờ thuốc mà chết dần chết mòn được. Tính mạng của con người là quan trọng nhất, dù thuốc đắt thế nào thì chúng ta cũng phải có kế hoạch dự trữ để sử dụng khi cần", BĐ Duy Đức ý kiến.

Tương tự, BĐ Huỳnh Hiếu cho rằng: "Đừng nhìn vào mức giá mà hãy nhìn vào giá trị nó mang lại. Biết là sẽ rất đắt nhưng có thể cứu mạng người. Nhiều trường hợp nhiễm độc nặng mà không có thuốc xử lý kịp thời rồi tử vong thì là điều đáng buồn. Tôi nghĩ ít nhất cũng phải mua vài lọ để đề phòng bất trắc, đâu thể nước đến chân mới nhảy".

Còn BĐ Tuấn Nghĩa viết: "Việc ngộ độc botulinum ở Việt Nam không còn là quá hiếm, vì vậy nhất thiết phải trữ sẵn thuốc giải. Không cần nhiều nhưng trong kho lúc nào cũng phải có vài lọ".

"Hệ thống y tế cả một nước mà không dự phòng được vài lọ thuốc giải độc thì cũng rất kỳ. Nguồn chi phí mua thuốc có thể vận động xã hội mà, mạng người mới là quan trọng kìa. Nhiều khi BN không kịp xử lý kịp thời, chi phí điều trị còn tốn kém gấp mấy lần so với số tiền bỏ ra mua một lọ thuốc, chưa kể trường hợp xấu có thể tử vong", BĐ Xuân Dũng thẳng thắn.

Đừng để thêm những cái chết đau lòng

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, không chỉ ngộ độc botulinum là nguy hiểm mà tất cả ngộ độc cấp đều nguy hiểm nên cần có các loại thuốc quý hiếm. Các loại thuốc này cũng có thể là thuốc đắt tiền và cũng không có sẵn ở nhiều nước, kể cả một số nước phát triển chứ không riêng Việt Nam. Theo ông, cần có thống kê, nghiên cứu và xây dựng chiến lược, danh mục thuốc quý hiếm để tích lũy, điều phối cấp quốc gia, vì nhu cầu dùng thuốc giải độc ngày càng nhiều hơn. Khi có thuốc sẵn giúp cứu sống BN, ít bị biến chứng.

"Nên có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia đặt ở 3 miền, dự trù thuốc hiếm cho nhiều năm. Khi có nhu cầu thì báo trước và thương lượng với các công ty để sản xuất, nhập khẩu, như vậy cũng sẽ có giá phù hợp. Đề nghị Bộ Y tế làm đầu mối, các BV thống kê các thuốc hiếm nhu cầu sử dụng mỗi năm. Đề nghị Chính phủ có quỹ để mua dự trữ thuốc quốc gia. Cái quan trọng nhất là sinh mạng con người", đại biểu Quốc hội, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan đề xuất.

Đồng tình với ý kiến của TS-BS Lê Quốc Hùng, PGS-TS Khánh Phong Lan, BĐ Hoang Linh đề nghị Bộ Y tế có quy trình ứng phó kịp thời, thuốc mắc cũng phải mua vì khi đã nhiễm độc nặng mà không xử lý kịp thời, chi phí điều trị tốn gấp nhiều lần giá trị lọ thuốc. Tương tự, BĐ Trường Xuân viết: "Cấp thiết phải có quy trình dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia. Với các thuốc hiếm không phải dùng thường xuyên, nhưng khi cần dùng mà không có thì tính mạng BN bị đe dọa... Vì vậy, chúng ta phải xác định mua thuốc, nếu không dùng tới, thuốc quá hạn sử dụng bỏ đi thì cũng phải chấp nhận".

"Nhìn các BN chết dần chết mòn vì thiếu thuốc thật sự quá đau lòng. Mong ngành y tế xây dựng chiến lược, quy trình dự trữ các thuốc quý hiếm ngay từ bây giờ. Đừng để thêm những cái chết đau lòng", BĐ Ngọc Thúy khẩn thiết.

Phải luôn có kế hoạch dự trù rõ ràng trước cho mọi tình huống, đừng đợi nước tới chân mới nhảy.

Thanh Hieu

Ngành chức năng hãy làm ngay những việc cần làm để trong tương lai sẽ không có người dân nào phải chết vì trong kho hết thuốc hiếm.

N.V

Chúng ta có nhiều cách mà, như vận động chi phí từ xã hội chẳng hạn. Mình phải phòng trước những tình huống xấu xảy ra, chứ đâu thể đợi xảy ra rồi mới cuống cuồng tìm thuốc. Hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết, chứ với tình hình nhiều thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc như hiện nay thì không thể nói trước điều gì.

Thu Hà


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.