Một cái ôm sẽ giúp thí sinh giảm căng thẳng khi ôn thi

Phúc Kha
Phúc Kha
08/06/2023 09:00 GMT+7

Học sinh 2k5 sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, kỳ thi có ý nghĩa quan trọng đối với học sinh. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức thì thí sinh cần đảm bảo tâm lý thoải mái, phương pháp học tập hiệu quả trong giai đoạn ôn thi.

Giấc ngủ là người gác cổng cho sức khỏe tinh thần

Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Tâm lý vững vàng - dễ dàng vượt khó”, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam đã chia sẻ giải đáp thắc mắc về vấn đề tâm lý mùa thi.

 Bí quyết để có tâm lý thoải mái trong giai đoạn ôn thi - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ phương pháp tránh căng thẳng khi ôn thi

CHỤP MÀN HÌNH

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng học sinh không thể nào loại hết nỗi lo trong cuộc sống, đặc biệt là sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi là một trong bước ngoặt mà thí sinh rất lo lắng, các bạn cần thừa nhận lo lắng, tìm cách thích ứng, làm chủ bản thân mình và chiến thắng nỗi lo.

“Đứng trước sự kiện quan trọng, bước ngoặt con đường đi của các em sau này, bao giờ các em cũng hoang mang, hồi hộp, lo lắng. Tôi thấy rằng chả có ai dậy sớm làm gì nếu không có áp lực. Một chút áp lực trong giai đoạn ôn thi để các em có thể tập trung, huy động hoạt động của cơ thể để giải quyết từng vấn đề một. Nếu mình không có một chút áp lực thì chúng ta không thể đẩy giới hạn bản thân mình để chinh phục những đỉnh cao”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Ông Nam khuyên thí sinh hướng về kỳ thi với sự tự tin, cứ mỗi lần cảm thấy lo lắng, suy nghĩ là lúc này sự lo lắng không phải vào đây, những lần trước tôi lo lắng, tôi đã vượt qua, những lần trước tôi gặp bài toán khó, tôi đã làm thế nào để giải quyết. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, lần trước rơi vào tình huống này, mình đã tìm ra phương pháp giải quyết, tìm ra cách thức xử lý nỗi lo khi nó nhảy vào đầu chúng ta khi học tập.

PGS.TS Trần Thành Nam nhìn nhận thí sinh có tinh thần thoải mái khi có sức khỏe thể chất tốt. Giai đoạn căng thẳng ôn tập, cần có chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý để có sức khỏe, tinh thần tốt. Giấc ngủ là người gác cổng cho sức khỏe tinh thần trong giai đoạn này. Các bạn không cần giấc ngủ dài mà có giấc ngủ chất lượng. Buổi sáng dậy chúng ta tái tạo năng lượng, học tập tốt hơn.

“Đêm trước kỳ thi, học sinh phải cố gắng có giấc ngủ chất lượng, buổi sáng dậy sớm hơn một chút, trước khi đi thi xem lại sơ đồ tư duy để nhớ lại kiến thức một chút. Khi đến điểm thi, học sinh ngồi yên một chỗ, tĩnh lặng, nhắm mắt, thư giãn một chút và hình dung nhớ lại kiến thức chúng ta đã ôn thi về môn thi này”, ông Nam nói.

Ưu tiên học chất lượng chứ không phải học thời gian dài

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, mỗi học sinh sẽ có khoảng thời gian học tập hiệu quả hơn, chẳng hạn có những bạn học rất tốt vào buổi tối, có những bạn học tốt vào sáng sớm. Thí sinh phải phát hiện mình học tốt giai đoạn nào, làm việc hiệu quả nhất, dùng thời gian đó, ôn tập những môn cần phải dành nhiều sức lực. Hãy chọn khoảng thời gian học tốt nhất để học những môn khó nhất, ưu tiên học chất lượng chứ không phải học thời gian dài.

Cũng theo ông Nam, học sinh khi ôn luyện cần có nguyên tắc là nghỉ trước khi mệt, đừng có ôn liên tục, ôn tập chia ra thành các khoảng nhỏ, sau thời gian học, các bạn có khoảng thời gian đứng dậy vận động làm hoạt động gì đó liên quan đến sở thích của các bạn để sau đó chuyển sang trạng thái khác.

“Khi ôn thi, thí sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, thí sinh có thể tìm một cái ôm. Cái ôm là một cách thức giúp mình thư giãn, cảm giác được người khác kết nối, chia sẻ. Nếu bạn chưa tìm được người ôm thì có một con thú cưng, ôm nó cũng được”, ông Nam chia sẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết trong giai đoạn ôn thi và khi đi thi, một số học sinh thường bị rối loạn lo lâu, bị lo lắng quá mức. Họ không phải lo về kỳ thi mà lo về trạng thái của mình. Khi thí sinh càng hoảng loạn thì càng học không được.

“Điều quan trọng là học sinh phải biến việc học trở thành thói quen. Học sinh học như thế sẽ khiến bản thân không bị mệt, làm cho mình cảm thấy khám phá được kiến thức mới. Biến những cái mình phải làm thành những cái thích làm, sau đó chuyển thành cái mình thích làm”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Một cái ôm sẽ giúp thí sinh giảm căng thẳng khi ôn thi - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.