'Mùa vàng' gạo Việt

Chí Nhân
Chí Nhân
23/12/2023 06:52 GMT+7

Xuất khẩu gạo cao kỷ lục cả về lượng và giá, giúp nông dân thắng lớn. Chưa bao giờ người trồng lúa VN được hưởng trọn niềm vui trúng mùa được giá và kéo dài nhiều vụ liên tiếp như hiện nay.

Lúa đắt hơn tôm tươi, nông dân ăn tết lớn

Cả tháng nay, ngày nào ông Nguyễn Văn Hiền ngụ TT.Châu Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cũng ra ruộng để ngắm đồng lúa gần 10 công đang chuẩn bị thu hoạch. Ông Hiền cho biết năm nay do ảnh hưởng của El Nino gây khô hạn nên theo khuyến cáo của ngành chức năng, bà con địa phương vùng ven biển xuống giống sớm để né hạn mặn. Nếu ngành nông nghiệp không khuyến cáo thì nhân cơ hội giá lúa đang cao bà con ở đây ai cũng muốn tranh thủ làm sớm, bán sớm. Nhờ xuống giống sớm mà gặp thời tiết thuận lợi, lúa trúng mùa trúng giá. Hiện lúa còn khoảng hơn 2 tuần nữa là thu hoạch nhưng với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng lúa, ông ước tính năng suất đạt khoảng 8,6 tấn/ha.

"Từ ngày lúa trổ bông đến nay, thương lái cứ nài xuống cọc, giá 9.000 đồng/kg mà tôi chưa đồng ý. Vì giá thị trường hiện tại như Đài Thơm là 9.200 - 9.300 đồng/kg, có bao nhiêu bán cũng hết nên mình không vội. Đây là lần đầu trong nhiều năm qua người trồng lúa hưởng được niềm vui trúng mùa và cả trúng giá "đậm" như vậy trước thềm năm mới", ông Hiền xúc động.

'Mùa vàng' gạo Việt- Ảnh 1.

Năm 2023 xuất khẩu gạo cao kỷ lục, nông dân được hưởng lợi nhờ giá lúa cao

Công Hân

Ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, tại H.Thoại Sơn (An Giang), ông Nguyễn Thành An cho biết: Lúa đông xuân ở vùng này mới khoảng 30 ngày tuổi, sẽ thu hoạch vào giai đoạn từ 15 - 20 tháng giêng âm lịch. Năm nay thời tiết thuận lợi nên nhẹ phân thuốc mà lúa vẫn tốt. Hiện tại, giá phân bón cũng giảm nhẹ so với vụ hè thu, cụ thể phân ure chỉ còn từ 520.000 - 530.000 đồng/bao (50 kg). Chi phí sản xuất giảm và lúa lại được giá nên lợi nhuận đạt khoảng 40 - 45% giá bán.

"Hiện nay, như lúa của tôi mới được 1 tháng tuổi đã có người hỏi xin đặt cọc, thậm chí mới giai đoạn mạ 20 ngày tuổi cũng có thương lái muốn cọc tiền. Chưa khi nào mà lúa bán còn đắt hơn tôm tươi như hiện nay. Mình nhận cọc sớm thì giá chỉ khoảng 8.500 - 8.600 đồng/kg, trong khi giá thị trường phổ biến 9.100 - 9.400 đồng", ông Anh nói và cho biết thêm: Từ vụ đông xuân năm 2022 giá lúa bắt đầu tăng và đặc biệt đạt mức cao từ vụ hè thu năm 2023 và đến vụ thu đông vừa qua là giá cao kỷ lục. Như vậy người nông dân trúng mùa trúng giá trọn vẹn cả 3 vụ trong năm. Với tình hình hiện tại, vụ đông xuân sắp đến giá cũng ở mức cao và niềm vui với ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục.

VN cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi do EL Nino gây ra, nhưng lợi thế lớn của VN là có bộ giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, năng suất tốt nên có thể sản xuất liên tục trong năm, không lúc nào mà VN, đặc biệt là ĐBSCL, không có lúa đang thu hoạch. Năm 2024 chúng ta sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo với giá tốt.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thông tin: Năm nay các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL xuống giống vụ đông xuân sớm, ngay từ đầu tháng 10 với diện tích khoảng 400.000 ha. Đến thời điểm này, phần diện tích trên đang vào giai đoạn thu hoạch. Các trà lúa đông xuân sớm sẽ tiếp tục được thu hoạch trong tháng 1.2024. Cao điểm thu hoạch lúa đông xuân sẽ vào khoảng tháng 2.

Xuất khẩu gạo vượt mọi kỷ lục

Theo Hiệp hội Lương thực VN, trong những ngày qua giá gạo Thái Lan liên tục tăng, hiện gạo trắng 5% tấm ở mức 646 USD/tấn trong khi gạo cùng phẩm cấp của VN giá 663 USD/tấn, còn Pakistan là 593 USD/tấn.

Tổng lượng gạo xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2023 lên tới 7,64 triệu tấn, tăng 14,5% và giá trị đạt 4,34 tỉ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia ước tính, xuất khẩu gạo cả năm 2023 có thể đạt tới 8,2 triệu tấn và kim ngạch gần 4,8 tỉ USD. Trong lịch sử xuất khẩu gạo của VN từ năm 1989 đến nay, kỷ lục về sản lượng chỉ dừng lại ở con số 7,1 triệu tấn vào các năm 2011 và 2022; kim ngạch cao nhất là 3,65 tỉ USD năm 2011. Nếu so về lượng, năm 2023 xuất khẩu gạo của VN tăng khoảng 1,1 triệu tấn so với kỷ lục cũ và tăng đến 1,6 triệu tấn với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm nay. Nếu xét về giá trị cũng vượt kỷ lục cũ khoảng 1,15 tỉ USD. Năm 2023 chắc chắn sẽ là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử xuất khẩu gạo của VN.

Ông Nguyễn Như Cường nhìn nhận: Khi Ấn Độ, chiếm hơn 40% nguồn cung gạo trên thế giới ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, đó là cơ hội cho các nguồn cung khác trên thị trường. Thành công của ngành lúa gạo VN là đã tranh thủ thời cơ để gia tăng nguồn thu, lợi nhuận cho bà con nông dân. "Được sự chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chúng tôi đã lên kế hoạch đẩy mạnh sản xuất; chủ động tăng diện tích vụ lúa thu đông thêm 60.000 ha so với các năm trước, tạo ra thêm lượng lúa hàng hóa khoảng 350.000 tấn. Điều này góp phần nâng tổng sản lượng lúa cả năm 2023 lên trên 43,4 triệu tấn. Bên cạnh đó, khuyến cáo các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL xuống giống sớm lúa đông xuân để né hạn mặn", ông Cường chia sẻ.

Các chuyên gia và tổ chức tài chính uy tín thế giới dự báo năm 2024 và có thể là cả năm 2025 thị trường lúa gạo vẫn ở trạng thái cung thấp cầu cao. Vì thời tiết không thuận lợi ở các nước sản xuất gạo lớn như Ấn Độ và Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung gạo toàn cầu. Chính vì vậy, Cục Trồng trọt tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ đẩy mạnh sản xuất lúa để cung ứng cho thị trường thế giới nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và mang lại thu nhập cho người nông dân VN. Diện tích gieo trồng lúa năm 2024 sẽ tương đương 7,1 triệu ha với sản lượng mục tiêu trên 43 triệu tấn.

"VN cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi do EL Nino gây ra, nhưng lợi thế lớn của VN là có bộ giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, năng suất tốt nên có thể sản xuất liên tục trong năm, không lúc nào mà VN, đặc biệt là ĐBSCL, không có lúa đang thu hoạch. Năm 2024 chúng ta sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo với giá tốt", ông Cường nói.

Năm 2024, nguồn cung gạo vẫn thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn

Các chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ ít có khả năng thay đổi cho đến khi kết thúc kỳ bầu cử ở nước này, thậm chí để ngỏ khả năng sẽ siết thêm nguồn cung gạo. Nguyên nhân là tình trạng lạm phát của Ấn Độ vẫn chưa được kìm chế. Và để giải phóng nguồn gạo của người dân trồng lúa, Ấn Độ đang áp dụng chính sách xuất khẩu qua kênh chính phủ. Bên cạnh đó, tình trạng EL Nino gây nên khô hạn, lượng mưa thấp làm ảnh hưởng đến việc gieo trồng lúa ở nhiều nguồn cung quan trọng gồm cả Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Myanmar… Do vậy, khả năng nguồn cung gạo toàn cầu năm 2024 vẫn thiếu hụt khoảng 4 - 5 triệu tấn.

Vụ lúa đông xuân của VN thường trùng với lúa vụ hai của nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, các nước này bị ảnh hưởng của EL Nino nên diện tích bị thu hẹp hoặc thu hoạch muộn hơn so với bình thường. Hiện cả thị trường gạo thế giới đang nhìn vào vụ đông xuân của VN bắt đầu thu hoạch sớm và kéo dài đến tháng 3.2024. Tôi tin rằng, giá lúa vụ đông xuân 2024 vẫn duy trì mức cao.

Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.