Mỹ, Anh bị chỉ trích cản trở điều tra cái chết của Tổng thư ký LHQ

02/03/2024 10:55 GMT+7

Chính phủ Mỹ và Anh bị cáo buộc đã trì hoãn việc cung cấp bằng chứng liên quan vụ tai nạn máy bay khiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Dag Hammarskjold thiệt mạng hồi năm 1961.

Theo tờ The Guardian ngày 1.3, Trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách pháp lý Stephen Mathias mới đây đã tổ chức một hội nghị tại London (Anh) về tiến độ cuộc điều tra liên quan cái chết của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Dag Hammarskjold năm 1961.

Mỹ, Anh bị chỉ trích cản trở điều tra cái chết của Tổng thư ký LHQ- Ảnh 1.

Cố Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Dag Hammarskjold

AFP

Ông Hammarskjold, người Thụy Điển, qua đời vào ngày 18.9.1961 khi đang trên đường tham gia đàm phán lệnh ngừng bắn giữa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Congo và lực lượng ly khai vùng Katanga.

Chiếc máy bay Douglas DC-6 của ông Hammarskjold bị rơi gần Ndola, Bắc Rhodesia (nay là Zambia), khiến vị quan chức và 15 hành khách khác thiệt mạng. Cuộc điều tra đầu tiên do chính quyền Bắc Rhodesia thực hiện đã kết luận có lỗi của phi công nhưng tuyên bố này đã gây tranh cãi.

Người dân trên mặt đất cho biết họ nhìn thấy một chiếc máy bay khác và tia lửa lóe sáng trên bầu trời. Các phi công đánh thuê người Bỉ được cho là đã có mặt trong khu vực vào thời điểm đó cùng với các sĩ quan tình báo Pháp và Anh. Các sĩ quan tình báo Mỹ lúc đó đang theo dõi thông tin liên lạc từ Đảo Síp và báo cáo đã nghe thấy thông tin liên lạc phù hợp với việc máy bay của Liên Hiệp Quốc bị bắn.

Vụ án đã được Liên Hiệp Quốc mở lại vào năm 2017 dưới sự chỉ đạo của thẩm phán Mohamed Chande Othman người Tanzania, người đã kêu gọi bổ nhiệm các quan chức độc lập để giám sát việc tổng hợp các kho lưu trữ ở các quốc gia có thể có thông tin liên quan.

"Trong khi Bỉ, Thụy Điển và Zimbabwe thể hiện nỗ lực nghiêm túc, sự phản ứng của Mỹ và Anh là hoàn toàn không phù hợp và cho thấy sự coi thường cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc", theo các nhà tổ chức hội nghị hôm 29.2, gồm Viện Nghiên cứu thịnh vượng chung tại Đại học London và Hiệp hội Westminster Liên Hiệp Quốc.

Bà Susan Williams, nhà nghiên cứu từng viết cuốn sách về vụ việc đã giúp tái khởi động cuộc điều tra, cho biết: " Nghị quyết gần nhất của đại hội đồng (Liên Hiệp Quốc) nhằm khởi động lại cuộc điều tra được 142 trên 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc đồng bảo trợ nhưng không có Mỹ và Anh", bà Williams nói, gọi hai nước trên là "những ngoại lệ toàn cầu".

Mỹ và Anh chưa lập tức bình luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.