Mỹ giảm chi hỗ trợ an ninh cho Đông Nam Á

05/05/2016 16:40 GMT+7

Trong khi Mỹ đẩy mạnh chiến lược “xoay trục về châu Á”, nhưng các khoản viện trợ an ninh cho khu vực Đông Nam Á lại giảm sút.

Theo trang Huffington Post ngày 4.5 dẫn thông tin từ Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR, Mỹ), năm 2011, chính phủ Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược “tái xoay trục về châu Á”. Một trong những khía cạnh của xoay trục là củng cố quan hệ an ninh ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, một phân tích về việc Mỹ hỗ trợ an ninh cho 10 nước ASEAN cho thấy tổng khoản chi hỗ trợ an ninh cho khu vực này giảm 19% từ năm 2010, tức trước khi có chiến lược trên. Nếu cộng thêm lạm phát, tổng khoản chi hỗ trợ an ninh khu vực này bị giảm còn sâu hơn.

Trong 10 nước ASEAN, chỉ có Việt Nam, Myanmar và Lào nhận nhiều khoản hỗ trợ an ninh trong năm 2015, lớn hơn so với năm 2010. Và chỉ có Việt Nam nhận sự hỗ trợ gia tăng cho các chương trình vốn trực tiếp gia tăng quan hệ quân sự với Mỹ.

Đa phần sự hỗ trợ cho Lào là vào các chương trình tháo gỡ mìn, sự hỗ trợ an ninh cho Myanmar chủ yếu để phòng chống ma túy và gỡ mìn. Hỗ trợ an ninh cho Brunei giàu có và cho Campuchia không đáng kể. Sự hỗ trợ an ninh cho Thái Lan và Philippines giảm 79,9% và 8,8% mỗi nước từ năm 2010.

Hỗ trợ dành cho Indonesia, Malaysia và Singapore, ba đối tác quan trọng của Mỹ ở các lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, chống khủng bố, tuần tra chống hải tặc cùng các chương trình khác giảm lần lượt 51,7%, 58,2% và 71,4%.

Sự giảm hỗ trợ này cho thấy có vẻ Nhà Trắng không giữ lời hứa tăng cường quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á. Chính phủ Obama chỉ bắt đầu tăng cường hỗ trợ an ninh hàng hải cho ASEAN từ năm 2015.


Để an toàn, các nhà làm luật Mỹ đã yêu cầu Nhà Trắng cắt giảm vài khoản hỗ trợ Thái Lan sau cuộc đảo chính ở nước này hồi tháng 5.2014. Lãnh đạo Mỹ cũng cảnh giác tăng cường quan hệ an ninh với các nước như Campuchia, Myanmar và Lào. Còn Malaysia, Indonesia và Philippines lại là các đối tác tương đối ổn định của Mỹ trong việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông, theo CFR.

Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn ưu tiên hỗ trợ an ninh cho châu Âu và Trung Đông. Như biểu đồ cho thấy, sự hỗ trợ cho Đông Nam Á giảm 34,5 triệu USD từ năm 2010 và năm 2015, trong khi tổng khoản hỗ trợ an ninh cho Trung Đông và Bắc Phi tăng gần 1,3 tỉ USD trong cùng kỳ. Từ năm 2010 đến 2015, hỗ trợ an ninh của Mỹ dành cho châu Âu giảm 52,9  triệu USD.

Sự nổi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng nội chiến ở Ukraine là các lý do chính để Mỹ tiếp tục chú trọng hỗ trợ châu Âu và Trung Đông.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ an ninh cho Đông Nam Á vẫn tương đối nhỏ: sự hỗ trợ cho Trung Đông và Bắc Phi nhiều hơn gấp 50 lần so với khoản tiền giúp Đông Nam Á trong năm 2015, và châu Âu nhiều gần gấp ba lần so với ASEAN năm 2015.


Hồi giữa tháng 4.2016, tạp chí Diplomat đưa tin Lầu Năm Góc bắt đầu chương trình an ninh hàng hải mới cho các nước Đông Nam Á gần Biển Đông. Chương trình này có tên “Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á” (MSI) trị giá 425 triệu USD trong vòng 5 năm cho Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines.

Mục tiêu của MSI là cải thiện khả năng hàng hải của các nước này nhằm giúp đối phó những thách thức, bao gồm các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tổng số tiền cấp cho MSI năm 2016 là 49,72 triệu USD, trong đó hơn 41 triệu USD (gần 85%) cấp cho Philippines. Việt Nam chỉ nhận được 2 triệu USD để hiện đại hóa tàu và máy bay tuần tra, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm - cứu hộ, kiểm soát, hệ thống liên lạc và huấn luyện. Malaysia nhận 3 triệu USD, Indonesia và Thái Lan nhận lần lượt  2 triệu USD và 1 triệu USD mỗi nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.