Mỹ, Hàn Quốc 'quyết liệt răn đe' Triều Tiên

Khánh An
Khánh An
28/04/2023 06:30 GMT+7

Mỹ cùng Hàn Quốc thỏa thuận các biện pháp cứng rắn, trước lo ngại về mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.


Lần đầu tiên kể từ thập niên 1980, một tàu ngầm của hải quân Mỹ trang bị tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân sẽ đến Hàn Quốc nhằm thể hiện quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ đồng minh trước mối đe dọa từ  CHDCND Triều Tiên . Theo Yonhap, thông tin được công bố trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Washington hôm 26.4 (giờ địa phương).

Mỹ, Hàn Quốc 'quyết liệt răn đe' Triều Tiên - Ảnh 1.

Tàu ngầm hạt nhân USS Alaska thuộc lớp Ohio của hải quân Mỹ

Reuters

Thỏa thuận lịch sử

Hai nhà lãnh đạo công bố thỏa thuận mang tên "Tuyên bố chung Washington", với trọng tâm tăng cường khả năng răn đe chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo Yonhap, gia tăng sức răn đe đồng nghĩa với việc Mỹ cam kết huy động toàn bộ năng lực quân sự, gồm vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh. Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp răn đe rõ ràng hơn, như việc triển khai đều đặn các khí tài chiến lược, gồm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Mỹ nhấn mạnh những vũ khí đó không đồn trú lâu dài và Washington không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ sẽ đến Hàn Quốc lần đầu tiên sau 40 năm

Tổng thống Yoon cho biết hai nước đồng ý thiết lập "Nhóm Tham vấn hạt nhân" nhằm điều hành hệ thống răn đe mới một cách cụ thể. Hai bên sẽ chia sẻ thông tin về các chiến dịch hạt nhân và chiến lược, lên kế hoạch và tổ chức thảo luận đều đặn về cách thi hành các hoạt động chung giữa lực lượng phi hạt nhân tiên tiến của Hàn Quốc cùng lực lượng hạt nhân Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Biden còn cảnh báo cứng rắn đối với Bình Nhưỡng rằng bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên đối với Mỹ, đồng minh hoặc đối tác là "điều không thể chấp nhận và sẽ dẫn đến kết thúc chế độ thực hiện hành động đó". Dù vậy, ông Biden cho biết Mỹ mong muốn bước đột phá ngoại giao thực chất với Triều Tiên nhằm củng cố sự ổn định tại  bán đảo Triều Tiên . Bình Nhưỡng chưa lập tức phản ứng về những diễn biến trên, còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc về việc "kích động đối đầu" với Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên thúc đẩy dàn xếp hòa bình trên bán đảo.

Mỹ, Hàn Quốc 'quyết liệt răn đe' Triều Tiên - Ảnh 2.

Tổng thống Biden tiếp Tổng thống Yoon tại Nhà Trắng hôm 26.4

Reuters

Điều bất thường

Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo vốn dựa vào tính tàng hình và bí mật để đảm bảo khả năng sống còn và tấn công tên lửa hạt nhân bất ngờ nếu xảy ra chiến tranh. Do đó, chúng hiếm khi ghé thăm các cảng nước ngoài. "Việc tàu ngầm Mỹ ghé cảng Hàn Quốc có thể là áp lực to lớn đối với Triều Tiên, vì thường họ không chia sẻ vị trí của các tàu ngầm này", theo Reuters dẫn lời sĩ quan tàu ngầm về hưu Moon Keun-sik của Hàn Quốc. Thuyền trưởng tàu ngầm về hưu Choi Il của Hàn Quốc cho rằng việc một tàu ngầm như thế cập cảng Hàn Quốc sẽ là điều bất thường và mang tính biểu trưng, thể hiện sự răn đe mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên và trấn an Hàn Quốc.

Hải quân Mỹ vận hành 14 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Mỗi tàu ngầm lớp Ohio mang theo 20 tên lửa Triden II D5, với mỗi tên lửa mang 8 đầu đạn hạt nhân có thể nhằm vào những mục tiêu xa đến 12.000 km. Tuy nhiên, theo AFP, chuyên gia Cheong Seong-chang tại Viện Sejong (Hàn Quốc) thắc mắc liệu Bình Nhưỡng có lo ngại hay không, vì tầm phóng "quá xa" nên nó có thể không dễ phóng đến Triều Tiên từ vùng biển Hàn Quốc. Chuyên gia Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cũng cho rằng khó có khả năng Triều Tiên từ bỏ  vũ khí hạt nhân trước những sự răn đe đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.