Mỹ và Israel bất đồng về mục tiêu ở Gaza

06/11/2023 06:00 GMT+7

Lợi ích của Mỹ và Israel trong xung đột đang diễn ra ở Trung Đông khác nhau cả về ngắn hạn và dài hạn, cản trở con đường chấm dứt cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Gần một tháng kể từ khi Israel tuyên chiến với Hamas sau vụ tấn công bất ngờ ngày 7.10, chính quyền của Mỹ và Israel đã cho thấy hai bên có những mục tiêu khác nhau liên quan đến tương lai Dải Gaza, cũng như toàn bộ khu vực rộng lớn hơn, theo tờ The Wall Street Journal.

Quân đội Israel bên trong GazaẢnh: AP

Quân đội Israel bên trong Gaza

AP

Rạn nứt giữa đồng minh

Mỹ đã lên tiếng thể hiện sự ủng hộ vững chắc đối với Israel ngay từ đầu xung đột, nhưng những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden bắt đầu kêu gọi Israel ngừng bắn cục bộ để hàng hóa viện trợ có thể đi vào Gaza cũng như người dân ở đó có thể thoát ra an toàn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa cho biết ông từ chối yêu cầu này sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv (Israel) ngày 3.11.

Điểm xung đột: Mỹ nói ngừng bắn chỉ có lợi cho Hamas; Anh đánh giá cao UAV tự sát Nga

Washington cũng hối thúc Tel Aviv giảm thiểu thương vong cho dân thường và thực hiện các cuộc tấn công nhắm mục tiêu chính xác vào Hamas. Song ngay cả khi số người chết tăng cao ở Gaza và khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, Israel vẫn tiếp tục các cuộc tấn công quy mô lớn, bao gồm cuộc không kích nhằm vào trại tị nạn lớn nhất Gaza, khiến giới chức Mỹ thất vọng.

Về mục tiêu lâu dài, ông Biden ủng hộ giải pháp "hai nhà nước" để giải quyết xung đột nhiều thập niên giữa người Israel và người Palestine. Trong khi đó, Israel chưa hình dung rõ ràng tương lai Gaza sẽ như thế nào sau khi chiến sự kết thúc. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết mục tiêu của họ là xóa sổ Hamas, nhưng Israel không quan tâm đến việc tái chiếm Gaza vĩnh viễn.

Trên hết, Israel coi Hamas là mối đe dọa đến sự tồn vong của mình và coi việc tiêu diệt tổ chức này là mục tiêu quan trọng, hay nói cách khác, không làm được chuyện này sẽ là thất bại với Israel. Mỹ cam kết giúp Israel đánh bại Hamas, nhưng đối với ông Biden, mối đe dọa không chỉ dừng lại ở Hamas.

Theo The Wall Street Journal, Washington đang cố gắng duy trì sự đoàn kết của các đồng minh để đối phó với Iran, Nga và Trung Quốc. Cả Mỹ và Israel đều muốn tránh một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn tại khu vực, nhưng Israel sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn để theo đuổi mục tiêu đánh bại Hamas.

Ngoại trưởng Mỹ bác yêu cầu của lãnh đạo Ả Rập về ngừng bắn ở Gaza

Israel có thể tiêu tốn 51 tỉ USD

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Blinken đang theo đuổi nỗ lực ngoại giao con thoi đầy thách thức với chuyến công du thứ hai ở Trung Đông từ khi chiến sự Hamas - Israel bùng nổ. Ông dự kiến có các cuộc tiếp xúc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 6.11, sau khi vấp phải sự phản bác từ các đồng cấp thuộc thế giới Ả Rập về cách tiếp cận đối với xung đột, trong cuộc gặp ở thủ đô Amman của Jordan hôm 4.11.

Cùng lúc, giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ở Gaza. Hamas hôm 5.11 cáo buộc Israel đánh bom trại tị nạn Maghazi ở Gaza, khiến ít nhất 38 người thiệt mạng, theo Reuters. Quân đội Israel không lập tức đưa ra bình luận, nhưng vốn phủ nhận việc nhắm vào dân thường, đồng thời cáo buộc Hamas sử dụng người dân làm lá chắn sống. Israel trước đó cho biết họ đã hoàn thành việc bao vây thành phố Gaza (thuộc Dải Gaza), nơi mà họ coi là đầu não của Hamas, đồng thời tuyên bố sẽ "tìm và loại bỏ" thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar.

Bộ Tài chính Israel mới đây ước tính rằng cuộc chiến với Hamas sẽ tiêu tốn khoảng 200 tỉ shekel (51 tỉ USD), tương đương 10% GDP của Israel, theo nhật báo Calcalist tại nước này. Ước tính này dựa trên giả định rằng chiến sự sẽ kéo dài 8 - 12 tháng, chỉ giới hạn ở Gaza và không có sự tham gia đầy đủ của lực lượng Hezbollah ở Li Băng hay Iran và Yemen.

Vì sao đường hầm Hamas trở thành chiến trường trọng điểm của Israel?

Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Israel leo thang

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4.11 thông báo nước này đã quyết định triệu hồi đại sứ tại Tel Aviv về nước và ngừng liên lạc với Thủ tướng Netanyahu, để phản đối hành động của Israel ở Gaza, theo AFP. Dù vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara không muốn cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Tel Aviv. Ông cho biết lãnh đạo tình báo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì liên lạc với chính quyền Israel và Palestine, cũng như Hamas, theo Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat nói động thái của Ankara đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến thêm một bước về phía Hamas, lực lượng mà Israel coi là tổ chức khủng bố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.