Myanmar tạp lục - Kỳ 6: Biểu tượng quyền lực Myanmar

19/12/2013 03:20 GMT+7

Chỉ là con voi nhưng được ở trong “cung điện” thếp vàng, có hẳn người phục vụ riêng, trời nóng có người bật quạt, thậm chí mỗi lần đi vệ sinh cũng có người dọn lập tức… Đơn giản vì đó là con voi trắng, linh vật của người Myanmar.

Chỉ là con voi nhưng được ở trong “cung điện” thếp vàng, có hẳn người phục vụ riêng, trời nóng có người bật quạt, thậm chí mỗi lần đi vệ sinh cũng có người dọn lập tức… Đơn giản vì đó là con voi trắng, linh vật của người Myanmar.

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 5: Hai mặt của Yangon
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 4: Những nghề sắp tuyệt chủng
>> Myanmar tạp lục - Kỳ 3: Trà cóc ở Yangon

Những chú voi trắng ở Myanmar được chăm sóc với chế độ đặc biệt - Ảnh: N.T

Những chú voi trắng ở Myanmar được chăm sóc với chế độ đặc biệt - Ảnh: N.T 

Từ con voi trắng huyền thoại

Từ các vương triều cổ đại của Myanmar và Thái Lan, voi trắng luôn tượng trưng cho điều tốt lành. Vì vậy, quyền lực mà vua có được phụ thuộc một phần vào số lượng voi trắng nhà vua sở hữu. Niềm tin vào voi trắng lớn đến nỗi vào thế kỷ 16, vương quốc Myanmar xảy ra chiến tranh với Thái Lan để giành quyền sở hữu danh hiệu “Vua của loài   voi trắng”.

Thái Lan có 10 con voi trắng nhưng thuộc sở hữu của hoàng gia và hiếm khi xuất hiện trước dân chúng. Thái Lan trao thưởng 6 triệu baht (khoảng hơn 4 tỉ đồng) cho ai nộp thêm con mới. Con voi trắng cuối cùng của Lào cũng chết năm 2010. Myanmar bây giờ là nơi duy nhất mà dân thường có thể nhìn thấy con vật thiêng liêng này. Đã đặt chân đến Myanmar, làm sao tôi có thể bỏ qua.

Hiện tại Myanmar đang sở hữu 8 con voi trắng. Ba con ở Yangon tôi đã đến xem rồi, còn 5 con ở Nay Pyi Taw đi coi luôn cho “đủ bộ”.

Voi trắng thật ra là voi bị bạch tạng, da không trắng mà màu hồng nhạt. Ở Nay Pyi Taw, con voi trắng không ở Sở Thú mà ở… chùa Uppatasanti. Chính quyền đã xây hẳn một “cung điện” hoành tráng có ba tầng ngói được thếp vàng cho voi. Tôi vừa dợm bước lên bậc thang để lên thăm “ngài” thì người phiên dịch nhỏ nhẹ nhắc: “Anh bỏ dép ra”. Tôi nhìn quanh, quả thật ai lên thăm “ngài” đều đi chân đất và giữ một sự thành kính nhất định. Năm con voi trắng (nhưng tôi chỉ thấy 4 con), mỗi con có hẳn một người phục vụ riêng. “Ngài” vừa tiểu hoặc đại tiện lập tức người phục vụ đến dọn tức thì nên sàn nhà nơi “ngài” ở sạch bóng. Bên cạnh còn đặt một cái quạt thật to để phòng khi trời nóng… “Ngày xưa, vào đêm trước khi sinh Đức Phật, bà mẹ đã mơ thấy một con voi trắng trong bụng của bà. Vì vậy, mỗi khi xuất hiện một loài linh thú thì đó luôn là một điềm lành”, Myat Zaw Oo, người phiên dịch nói. Và không biết có ngẫu nhiên không, hai tháng trước khi chính quyền quân sự giành chiến thắng trong kỳ bỏ phiếu năm 2010, Myanmar tuyên bố bắt được hai con voi trắng mới nhất.

Đến thủ đô Nay Pyi Taw

Nếu như con voi trắng là truyền thuyết, thì Nay Pyi Taw chính là biểu tượng cho quyền lực thời hiện đại. Tại sao dời thủ đô về Nay Pyi Taw? Nhiều người dân Myanmar kể rằng trong một giấc mơ, ông tướng trị vì Myanmar thấy nước mình bị tấn công nên hỏi thầy chiêm tinh. Thầy phán phải chuyển thủ đô về giữa đất nước để “giải hạn”. Thế là ông tướng ra lệnh xây một thủ đô mới toanh ở một vùng trước đây còn chưa có tên trên bản đồ Myanmar.

Còn thực tế, để ý một chút, những cuộc biểu tình quy mô lớn gần đây trên toàn thế giới từ Ả Rập đến Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan đều diễn ra tại những địa điểm được coi là biểu tượng, linh hồn của đất nước. Tại Yangon, thủ đô cũ của Myanmar, chùa Shwedagon - biểu tượng linh thiêng của người Myanmar - thường là tâm điểm cho các cuộc biểu tình chính trị. “Chính phủ dời thủ đô để   giảm bớt mối đe dọa của các cuộc biểu tình gây bất ổn thôi”, người phiên dịch kết luận.

Chỉ sau tám năm, từ một vùng núi khô cằn, không bóng người sinh sống, Nay Pyi Taw giờ đây đường sá thênh thang, điện 24/24, sân golf, biệt thự, khách sạn, sở thú... Duy có một điều, Nay Pyi Taw làm tôi có cảm giác lạnh lẽo. Tôi thăm sở thú, người đến cũng lèo tèo. Tôi lên chùa Uppatasanti (được chính quyền xây lại như chùa Shwedagon thứ hai tại Nay Pyi Taw), người đi cũng thưa thớt. Vào siêu thị cũng chỉ gặp VĐV SEA Games... “Ở quê, tôi không có việc nên mới đến đây. Họ hàng nhà tôi đều ở chỗ khác”, một công nhân làm đường nói.  

Đúng, phải có lý do nên từ hơn 2.000 năm trước, người dân Myanmar đã không chọn Nay Pyi Taw để sinh sống: không thuận tiện giao thương, không tài nguyên văn hóa, lịch sử... Ngày nay đi trên con đường 12 làn xe, hai bên là những công trình nguy nga, tráng lệ nhưng tuyệt không một bóng người, tôi lại nhớ đến những con đường cát bay mịt mù, ổ gà lởm chởm, nhớ đến những đứa trẻ vẫn phải bới móc mưu sinh trên những đống rác cao quá đầu ở những vùng khác của Myanmar… Bất giác, tôi rùng mình.

Tại Yangon, những năm 1940, ông Aung San, cha đẻ nhà hoạt động chính trị Aung San Suu Kyi, phát bản cáo trạng kích động chống lại chế độ thực dân Anh. Năm 1988, thời điểm nóng của hàng loạt cuộc biểu tình đe dọa chế độ quân sự, bà Aung San Suu Kyi đã quy tụ được đám đông gần nửa triệu người. Tháng 9.2007, hàng chục ngàn tăng ni tuần hành trên chùa để chống lại chính phủ (và hầu hết đã bị bắt giam)...

Nguyễn Tập
(từ Nay Pyi Taw)

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 2: Kỳ thú nước Cù Là
>> Myanmar tạp lục - Ngộ nghĩnh Yangon
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 8: Đi chùa tắm Phật, cúng dường
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 7: Triết lý của cổ động viên
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 4: Nay Pyi Taw không còn bí ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.