Nếu được chọn một đồ vật đặt vào Bảo tàng Lịch sử, học sinh chọn gì?

Bích Thanh
Bích Thanh
08/02/2023 20:37 GMT+7

Đó là một trong những yêu cầu đặt ra cho học sinh TP.HCM tham dự hội thi Văn hay chữ tốt với mong muốn tìm ra những 'hiến kế' cho Bảo tàng Lịch sử từ góc nhìn của thế hệ trẻ.

Học sinh TP.HCM "hiến kế" với Bảo tàng Lịch sử - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM trải nghiệm với hướng dẫn viên Robot trong Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

BÍCH THANH

Ngày 8.2, 150 học sinh TP.HCM từ lớp 6 đến lớp 9 được tuyển chọn từ TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện tham dự hội thi Văn hay chữ tốt qua 2 hoạt động trải nghiệm và sáng tạo từ Bảo tàng Lịch sử.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay năm nay hội thi vẫn hướng đến tạo môi trường học tập, giao lưu, vui chơi cho học sinh THCS say mê sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ. Qua quá trình viết văn hay, rèn chữ đẹp, học sinh hình thành năng lực văn chương và những phẩm chất tốt đẹp.

Hội thi năm nay lựa chọn Bảo tàng Lịch sử TP.HCM làm điểm trải nghiệm cho học sinh. "Với góc nhìn lịch sử trong không gian trưng bày của bảo tàng, qua những hiện vật cổ xưa, học sinh sẽ hiểu hơn về chiều dài lịch sử, văn hóa Việt Nam, đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam, từ đó đưa vào những trang văn bằng trải nghiệm của chính mình. Khi đời sống xã hội ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng thể hiện sức mạnh thì các giá trị truyền thống, giá trị lịch sử càng phải được gìn giữ", ông Tân chia sẻ.

Sau khi trải nghiệm không gian của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, 150 học sinh đã thực hiện yêu cầu của hội thi trong đó có nội dung: "Nếu được chọn một sự kiện, đồ vật, hình ảnh về tuổi trẻ TP.HCM hôm nay đặt vào bảo tàng, giúp thế hệ sau hiểu thêm về thế hệ trẻ ngày nay thì em sẽ chọn sự kiện, đồ vật hoặc hình ảnh nào. Vì sao em lại chọn như vậy?…".

Thí sinh Trần Ngọc Ngân của Q.5 chia sẻ: "Chúng em cảm thấy khá thú vị khi được trải nghiệm không gian Bảo tàng Lịch sử với 'hướng dẫn viên' robot. Đây là hình thức mới mẻ giúp học sinh thấy yêu thích môn lịch sử hơn. Trải nghiệm này khiến cảm xúc được đong đầy để học sinh có thể thể hiện những ý tưởng cho bài viết của mình".

Học sinh TP.HCM "hiến kế" với Bảo tàng Lịch sử - Ảnh 2.

Học sinh TP.HCM viết bài sau khi trải nghiệm với "hướng dẫn viên" robot

BÍCH THANH

Giáo viên nói gì về đề thi?

Về đề bài của hội thi Văn hay chữ tốt năm nay, thạc sĩ Trần Nguyễn Tuấn Huy, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), nhận xét: "Phong cách tạo lập đề bài mang đậm nét thương hiệu của TP.HCM. Một cuộc thi lâu đời nhưng không hề lỗi thời. Không phải là một gương mặt đại diện quen thuộc đến mức dễ đoán dễ chán mà luôn sáng tạo, đổi mới để duy trì những nguồn năng lượng tích cực với văn chương ở các em. Mãn nhãn, mãn nguyện khi tiếp cận ở mỗi mùa Văn hay chữ tốt".

Yêu cầu của đề đã duy trì và phát huy yếu tố trải nghiệm để sáng tạo trong văn chương của thí sinh và luôn có độ mở hợp lý từ không gian trải nghiệm đến không gian thực hiện sản phẩm.

Điểm sáng trong đề bài năm nay có lẽ là những câu hỏi không chỉ thuần văn học mà còn mang yếu tố lịch sử. "Chuyện xưa, tích cũ", nhưng lại không gò bó, khô khan bởi sự ghi chép, và ghi nhớ thuộc lòng trong quá trình trải nghiệm để viết ra một cách máy móc khô khan mà phải là điều học sinh thật sự tâm đắc và tạo ra những ý nghĩa mang tính đại chúng. Học sinh hiện nay khá e dè với bộ môn lịch sử. Thiết nghĩ đây dịp đặc biệt tạo ra một cơ hội "gieo duyên" để các em biết, hiểu và "thương" bộ môn này nhiều hơn", thạc sĩ Huy chia sẻ.

Học sinh TP.HCM 'hiến kế' với Bảo tàng Lịch sử - Ảnh 3.

Đề bài của hội thi Văn hay chữ tốt

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Về yêu cầu của hội thi, giáo viên Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), nhận xét, đề thi đã tạo ra sự mới mẻ trong tư duy, nhận thức, sáng tạo của học sinh TP.HCM khi học văn, đó là học văn gắn liền với học lịch sử.

Theo thầy Bảo, đề thi đòi hỏi học sinh ngoài kỹ năng làm văn, kiến thức lịch sử trên lớp phải có sự quan tâm nhìn nhận, đánh giá về chuyển động của đời sống xã hội từ góc nhìn của tuổi trẻ để quyết định nên đặt sự kiện, hình ảnh, đồ vật nào vào bảo tàng. Điều này càng đặt ra  yêu cầu học phải gắn liền với thực tế cuộc sống, gắn liền với trải nghiệm. Chính trải nghiệm mới hình thành cho học sinh kỹ năng, góc nhìn sáng tạo, vô cùng cần thiết trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.