"Hội họa Việt Nam mất uy tín vì nạn tranh giả"

11/07/2005 22:39 GMT+7

Lần đầu tiên, một đoàn thanh tra của Bộ Văn hóa - Thông tin đã đến Huế, Đà Nẵng, Hội An, TP.HCM... thanh tra các sai phạm trong lĩnh vực sao chép tác phẩm mỹ thuật, một hoạt động vẫn được thả nổi từ trước đến nay. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Vi Kiến Thành (ảnh) - Phó vụ trưởng Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, cố vấn chuyên môn của đoàn về vấn đề này.

* Qua chuyến thanh tra từ Huế, Đà Nẵng, Hội An đến TP.HCM, xin ông cho biết đoàn đã phát hiện được những gì ?

- Trước tiên, vì hoạt động mỹ thuật ở những nơi như Huế, Đà Nẵng, Hội An rất ít nên vi phạm ở đây không đáng kể. Riêng ở TP.HCM, hiện tượng vi phạm phổ biến hơn, tựu trung là hai vi phạm chính: Sao chép tranh không hỏi ý kiến tác giả (tranh nhái) và sao chép tranh rồi ký luôn tên tác giả. Trường hợp sao chép rồi ký luôn tên tác giả (như hai cửa hàng số 213 Đồng Khởi và số 77 Mạc Thị Bưởi) thì xử lý dễ, còn sao chép mà không ký tên thì việc xử lý có phần khó hơn. Thậm chí khi bị phát hiện sai phạm các chủ phòng tranh còn biện hộ là do không biết Quy chế số 17/2004/QĐ BVH-TT về việc sao chép tác phẩm tạo hình, hoặc trả lời một cách ngây ngô rằng họ tưởng tranh đã được in sách thì ai sao chép cũng được...

* Còn vấn nạn nhức nhối lâu nay là nạn tranh giả thì sao, thưa ông?

- Phải nói chuyến thanh tra này chỉ mới chạm vào phần nổi, còn phần chìm vẫn chưa sờ đến được. Hoạt động làm giả tác phẩm của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái... là có thật. Tuy nhiên, những đường dây như vậy được tổ chức rất bí mật, tay nghề cũng rất tinh vi, việc lần ra ai là người đặt hàng cũng như tiêu thụ tranh giả không phải là đơn giản.

* Là người làm công tác quản lý, ông đánh giá thế nào về tác hại của việc sao chép tranh bất hợp pháp cũng như vấn nạn tranh giả gây ra ?

- Những năm 1990 của thế kỷ trước, thị trường tranh thế giới ồn ào sưu tầm tranh của họa sĩ Việt Nam vì bất ngờ trước một nền hội họa mới mẻ, với những chất liệu truyền thống như lụa, sơn mài... Nhưng từ năm 1997 đến nay, dường như thị trường hội họa của chúng ta bị đóng băng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hội họa Việt Nam bị mất uy tín vì tranh giả. Nguy hiểm hơn là những bức tranh giả đó có khi lại được in thành sách khiến cho thật giả lẫn lộn.

* Như vậy, để quản lý hiệu quả lĩnh vực này chúng ta cần thêm những biện pháp nào nữa, thưa ông ?

- Tôi cho rằng về nội dung các văn bản pháp quy cần hoàn chỉnh thêm, nhưng xét về số lượng thì như thế là đủ rồi. Vấn đề là chúng ta phải tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt để chấn chỉnh hoạt động này.

Quang Thi
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.