Sản phụ tử vong là do... “diễn biến đột ngột”?!

25/10/2005 21:59 GMT+7

Báo Thanh Niên số ra ngày 21.9 có đăng bài Sản phụ bị tử vong trong phòng sinh Trung tâm Y tế quận Thanh Khê (Đà Nẵng): Nghiệp vụ yếu hay thiếu y đức? phản ánh việc sản phụ Trần Thị Bích Thảo, sinh năm 1971, trú tổ 35 phường An Khê, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã bị tử vong ngay trong phòng sinh trong tình trạng thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ. Sự việc trên đã khiến cho gia đình nạn nhân và nhiều người bức xúc. Mới đây, kết luận của Sở Y tế TP Đà Nẵng về vụ việc này càng khiến gia đình bức xúc hơn.

Người nhà phải mua calci để... cấp cứu sản phụ

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 16.9.2005, chị Thảo đến Trung tâm Y tế quận Thanh Khê để khám thai trong điều kiện sức khỏe bình thường và được bác sĩ hẹn tái khám lại vào ngày 19.9. Theo đúng hẹn, gia đình đã đưa chị Thảo lên lại trung tâm nhưng bác sĩ bảo cho về, hẹn 3 ngày sau đến tái khám lần nữa. Vì nghĩ rằng thai lớn, lại trễ 3 ngày nên gia đình chị Thảo không chịu về và xin được ở lại để mổ sinh nhưng bác sĩ không đồng ý, bảo có thể sinh thường được. Sau khi tiến hành các thủ tục để nhập viện, đến 17 giờ 40 phút, chị Thảo được đưa vào phòng sinh trong tình trạng thể trạng và sức khỏe bình thường. Vì lo lắng nghĩ rằng thai lớn và đã trễ ngày sinh nên gia đình chị lại yêu cầu bác sĩ trực được sinh mổ, nhưng các bác sĩ ở đây vẫn quyết định cho sinh bình thường. Qua thăm khám tại chỗ, bác sĩ Hồ Mộng Thu (khoa Nội) cho biết tim thai, tim mẹ, huyết áp, dấu hiệu sinh tồn vẫn bình thường.

Đến 20 giờ, gia đình được thông báo sản phụ sinh khó phải mổ, nhân viên y tế yêu cầu gia đình mua calci tiêm cho sản phụ.

Không biết chuyện gì, mẹ chồng Thảo chạy ra cổng bệnh viện cách đó chừng 300m để mua thuốc (ống thuốc có giá 11.000 đồng). Đến khi mang vào phòng sinh thì thấy Thảo đã ngất. Cô bác sĩ nhận ống thuốc run tay nên làm rơi xuống đất vỡ toang. Thế rồi, bảo phải đi mua lại. Đến khi mang ống thuốc vào thì nhân viên ở phòng sinh thông báo Thảo và con đã tử vong.

Sản phụ không thiếu calci!

Trong văn bản kết luận của Sở Y tế TP Đà Nẵng do Phó giám đốc Đoàn Võ Kim Ánh ký, khẳng định: Sản phụ không có dấu chứng lâm sàng biểu hiện tình trạng thiếu calci máu. Nhưng cũng nói rằng: phiên trực để gia đình mua thuốc calci sandoz, do làm vỡ ống thuốc nên thuốc này chưa sử dụng cho bệnh nhân, thực tế hạ calci (nếu có trên bệnh nhân này) cũng không phải là nguyên nhân gây tử vong. Không cần bình luận gì thêm, bạn đọc cũng đã biết được nghiệp vụ của kíp trực này như thế nào. Ấy là chưa kể việc cấp cứu bệnh nhân sao lại bắt gia đình đi mua thuốc?

Trong văn bản đã dẫn cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn, ví dụ, có đoạn viết: Qua hồi cứu sổ theo dõi thai tại phường Thanh Lộc Đán cho thấy ngày kinh cuối cùng của sản phụ là 10.12.2004, ngày sinh dự đoán là 17.9.2005 (sản phụ Thảo tử vong ngày 19.9.2005, tức sau dự đoán hai ngày, phù hợp với người nhà dự đoán đã trễ ngày sinh 3 ngày - NV), thai vẫn dưới 42 tuần nên không gọi là thai già tháng. Mặt khác, dự đoán cân nặng thai nhi khoảng 3,5 kg cho nên việc theo dõi để sản phụ đẻ đường dưới là phù hợp. Nhưng ở một đoạn khác, kết luận lại ghi: Trung tâm Y tế quận Thanh Khê khai thác quá trình mang thai chưa đầy đủ, cụ thể không biết được ngày kinh cuối cùng của sản phụ dẫn đến việc tiên đoán ngày sinh của sản phụ chưa chính xác, thai chưa già tháng. Vậy là sao?

Về công tác xử trí khi tai biến xảy ra, bản kết luận ghi: Thái độ xử trí cấp cứu xảy ra tai biến được thực hiện một cách tích cực, khẩn trương, toàn diện, đồng bộ, có sự phối hợp tốt giữa toàn bộ kíp trực của trung tâm y tế... Và: việc theo dõi chuyển dạ và sẵn sàng đỡ đẻ cho sản phụ là đúng phác đồ điều trị và phân tuyến theo đúng quy định của chuẩn quốc gia về sức khỏe sinh sản. Cái gì cũng đúng, cái gì cũng tốt, vậy thì vì sao sản phụ tử vong?

Sản phụ tử vong là do... “diễn biến đột ngột”!?

Nguyên nhân được nêu ra trong kết luận này là do bệnh diễn biến đột ngột, nhanh và nặng nên sản phụ không qua khỏi. Cần nhắc lại rằng, các theo dõi trước đó cho thấy sản phụ vẫn mạnh khỏe, không có biểu hiện nào khác.

Theo biên bản giám định pháp y số 151/PY do Giám định viên trưởng BS Trịnh Lương Trân ký thì sản phụ vào Trung tâm y tế quận Thanh Khê với chẩn đoán: Thai con rạ chuyển dạ ngôi đầu, para 2002. Tiền sử hai lần sinh trước bình thường. Khám toàn thân không phát hiện bệnh lý. Sau khi trưng dẫn kết quả khám nghiệm, giám định viên kết luận: Sản phụ chết là do tắc mạch ối.

Từ kết luận này, Sở Y tế cho rằng, Trung tâm y tế quận Thanh Khê cần tổ chức rút kinh nghiệm cho toàn thể cán bộ nhân viên khoa Sản trong chuyên môn. Để một sản phụ tử vong chỉ cần... rút kinh nghiệm là xong!

Về phía gia đình sản phụ Trần Thị Bích Thảo, sau khi biết kết luận của Sở Y tế và Tổ chức giám định pháp y thành phố, không hiểu gì về các "kỹ thuật" và thuật ngữ chuyên môn, nhưng từ diễn tiến của sự việc, anh Lê Anh Dũng (chồng của chị Thảo) vẫn thắc mắc: "Khi diễn biến của bệnh có chiều hướng xấu đi, tại sao Trung tâm y tế Thanh Khê không lập tức cho chuyển viện để có thể xử lý?". Bà con chị Thảo lại một mực: "Thai đủ tháng không cứu được mẹ thì cũng phải cứu được con chứ, sao gia đình đề nghị mổ lại không cho mổ?". Vì thế, gia đình sản phụ Trần Thị Bích Thảo tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cấp, hỏi vì sao cán bộ y tế làm "đúng chuẩn quốc gia" lại để sản phụ tử vong lại cho là... "đột ngột"? Còn câu hỏi của chúng tôi là: Trong trường hợp này cho sản phụ đẻ đường dưới là phù hợp hay cho sinh mổ trước khi sự "đột ngột" xảy ra là... phù hợp hơn?

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.