Hà Nội: Nỗi lo tắc đường ngày Tết

25/01/2006 15:03 GMT+7

Những ngày gần Tết ai cũng có nhu cầu đi lại, người thì đi mua sắm, người đi Tết. Theo ngành giao thông công chính, trong bốn ngày sát Tết, lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến phố tăng khoảng 30-50% so với ngày bình thường.

Trong  khi đó, cũng theo khảo sát của cơ quan này, ngày thường 60% nút giao thông của thành phố bị quá tải về lượng phương tiện. Để thoát khỏi, một chiếc xe phải chờ đợi tín hiệu đèn xanh bật tới ba, bốn lần. Đặc biệt cầu Chương Dương đã bị quá tải tới bốn, năm lần lưu lượng phương tiện cho phép. Nhiều nút đèn tín hiệu giao thông bố trí chưa hợp lý...

Ông Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính thành phố cho biết: “Trước Tết chúng tôi đã phối hợp với cảnh sát giao thông tiến hành tổ chức phân luồng giao thông trên nhiều tuyến phố, xén bớt vỉa hè, làm thêm một làn đường cho xe rẽ phải”.

Tuy nhiên, các biện pháp trên cũng chỉ giảm thiểu được một phần nào tình trạng tắc đường trong dịp Tết. Đến giờ, nhiều người đã cám cảnh, thở dài thườn thượt mỗi khi có công việc phải ra đường. Chị Trần Anh Tú ở khu Đô thị Trung Hoà - Nhân Chính than phiền: “Tưởng gần ra Ngã Tư Sở mua cây quất về chơi Tết, ai dè có hơn một cây số mà cũng mất cả tiếng đồng hồ mới về đến nhà”. Chị Thục nhà ở gần Trường Đại học Y còn khổ hơn. Chỉ có mấy trăm mét, từ ngã ba Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng về nhà mà mỗi khi đi ra ngoài là chị phải tốn ít nhất 30 phút mới thoát khỏi khu vực này. Chị bức xúc: “hai ngày nay, đi đâu cũng phải trừ ra một tiếng bị tắc đường”. Anh Bình chở xe ôm ở ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà thì dứt khoát: “Chỉ chở vào giữa buổi sáng và trưa, giờ cao điểm sáng từ 7h-9 và chiều từ 17h-19h thì không chở nữa vì đi vào những lúc đó không bõ tiền xăng và không chịu được mùi khói phun ra từ các loại phương tiện”.

Tại bến xe phía Nam mỗi khi khách có nhu cầu đi xe ôm, người lái xe phải hỏi han rất kỹ mới quyết định có chở hay không. Anh Nguyễn Mạnh Hưng, người chạy xe ôm ở khu vực bến xe này: “Vì kiếm tiền tiêu pha mấy ngày Tết chứ không thì cũng nghỉ chạy xe rồi. Chạy xe ôm trong mấy ngày này cực lắm, nhiều khi chạy một “cuốc” chỉ 2-3km nhưng mất đến hai tiếng đồng hồ. Đường tắc, xe không nhúc nhích được, đi cũng không được mà quay về cũng không xong”. Vì tắc đường nên giá cả cho mỗi “cuốc” xe ôm cũng được điều chỉnh, tăng khoảng 3000-5000 đồng so với ngày bình thường.

Xe khách liên tỉnh không chạy vòng vo bắt khách nhưng người ngồi trên xe cũng khổ không kém cảnh bị quay vòng. Chỉ một quãng đường rất ngắn nhưng vào lúc cao điểm, lái xe phải mất 30-30-40 phút mới quay đầu được sang bên kia đường để đi các tỉnh phía Nam. Toàn bộ xe ô tô từ đường 5, quốc lộ 1 đi Lạng Sơn đều đổ về nút cầu Chương Dương khiến nhiều lúc xe ùn, kéo dài đến 2-3km. Ông Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết: “hai, ba ngày nay chúng tôi phải huy động tối đa lực lượng của mình để phục vụ cho nút giao thông cầu Chương Dương”.

Không chỉ có nút giao thông ra, vào thành phố Ngã Tư Sở, Cầu Chương Dương mà các phố khác như Trường Chinh, Khâm Thiên, Hồ Đắc Di, Thái Hà... vào giờ cao điểm cũng thường xuyên bị tắc đường.

Theo kinh nghiệm từ nhiều năm, tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm sẽ còn kéo dài cho đến chiều 29 Tết.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.