Môn Văn đang bị toán học hóa!

24/08/2006 22:17 GMT+7

Năm nào cũng vậy, "đến hẹn lại lên", cứ sau các kỳ thi là báo chí lại tốn không ít giấy mực về chuyện "văn chương khóc thét" của các thí sinh, bàn nhiều đến mức có độc giả mang tâm lý chán ngán, nhìn thấy những bài báo kiểu đó là chẳng muốn đọc. Năm nay thì hơi khác, "giang hồ" một phen "dậy sóng" vì một bài thi môn Văn xuất sắc đạt điểm 10…

Làm văn mà 10 điểm!

Với những môn khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, một cộng một bằng hai, công thức, phương trình đâu ra đó, thì việc đạt số điểm tuyệt đối 10/10 là chuyện chấp nhận được. Nhưng với nhiều thầy cô giáo, một bài toán với đáp số đúng hoàn hảo cũng chỉ cho điểm 9 và 1 điểm còn lại là phần thưởng cho sự sáng tạo. Nếu không có những ý tưởng "khác người" thì nhà bác học vĩ đại Albert Einstein đã chẳng lưu danh muôn thuở với phương trình "E=mc2", thuyết tương đối của ông vào thời ấy đã gây nên không biết bao nhiêu là thắc mắc, ngờ vực. Toán học, vật lý học mà còn "cảnh giác" với điểm 10 như thế, thì một bài văn đạt điểm 10 liệu có hợp lý?

Tôi vẫn thường nghe ba tôi kể, gần nửa thế kỷ trước, thi môn Văn, ba tôi thuộc hàng "đầu bảng" mà cũng chỉ điểm 7, học trong lớp, có được thầy ưu ái hơn, thì đạt điểm 8 là "đụng nóc"! Năm mươi năm sau, chương trình giáo dục "kinh" qua nhiều chặng đường cải cách và lối nhìn về văn học có lẽ cũng "cải cách" theo, ngày nay đi thi, sĩ tử đã có quyền mơ về một điểm 10 tròn trĩnh. Điểm thì tròn, nhưng ý nghĩa của môn Văn đã vô tình hóa thành vầng trăng khuyết...

Văn chương nghệ thuật vốn mang nhiều cảm tính. Tâm hồn có "cảm" thì viết mới hay, vẽ mới đẹp. Mà cảm tính vốn dĩ không theo bất kỳ một quy luật nào hết, cả thế giới có thể khen nức nở "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" của Victor Hugo, nhưng bạn vốn "kỵ rơ" với những câu chuyện buồn, bạn hoàn toàn có quyền thích những trận chiến kỳ dị với cối xay gió của Don Quihote hay những pha "kiếm quang loang loáng, chưởng phong vù vù" trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung hơn là xót xa, đau khổ theo mối tình si của anh gù Quasimodo. Vì thế trong văn chương hay hội họa, có lẽ không có tác phẩm nào thật sự được 10 điểm, dù có là đại thi hào Nguyễn Du, chắc ông sẽ vui vẻ chấp nhận điểm... 9 rưỡi dành cho Truyện Kiều... Chính nhờ mang đặc trưng nặng về cảm tính, nên theo lời nhận xét của một nhà báo kỳ cựu: "Tác phẩm nghệ thuật càng để lâu càng có giá, ngược với sản phẩm kỹ thuật, để càng lâu càng mất giá". Điểm 9 rưỡi dành cho Nguyễn Du vì thế mà trường tồn với thời gian và có giá trị hơn hẳn những điểm 10 máy móc!

Học văn và học thuộc lòng

Học trò ngày nay học môn Văn phải học thuộc lòng quá nhiều. Nếu chỉ học thuộc những bài kiểu như tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác thì vẫn hợp lý, bởi lẽ học như thế cũng như học địa lý, lịch sử, học để nâng cao kiến thức. Đằng này thơ phải thuộc, văn xuôi không thuộc hết cả bài thì ít nhất thuộc những đoạn liên quan đến các nhân vật chính có "tần suất" được ra đề cao, rồi thuộc các bài giảng văn, đến cả dàn ý thầy cô cho chép sẵn cũng ráng rỉ rả học cho thuộc. Thật ra, văn chương, đặc biệt là thi ca, nếu yêu thích thì không bắt ép bạn cũng thuộc nằm lòng, còn học như đa số học sinh hiện nay là học để đối phó, để thầy cô có trả bài thì còn có cái mà đọc cho hết giờ, để đi thi điểm số không "ọp ẹp" quá... Học như thế không trách nhiều bạn trẻ thấy... sợ, thậm chí thấy... ghét môn văn và "niềm hạnh phúc lớn nhất khi tốt nghiệp cấp 3 là... không phải học văn nữa!", như thế thì buồn cho môn văn quá!

Lẽ ra các em chỉ cần đọc kỹ để hiểu biết về tác phẩm, đề thi, đề kiểm tra sẽ kèm các trích đoạn thơ, văn, như thế, thời gian dành để học thuộc lòng từng câu từng chữ trong sách giáo khoa sẽ được thay thế bằng việc thầy cô giao cho những tác phẩm nhẹ nhàng, giàu tính nhân văn như Hoàng tử bé của Saint Exupéry hay gần gũi hơn là những tác phẩm đoạt giải của các nhà văn trẻ Việt Nam như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần để các em đọc rồi sau đó làm bài tổng kết... Dịp sang giao lưu với một trường cấp 3 của Pháp năm 2001, tôi khá ngạc nhiên khi thấy cô bạn của mình tối tối trước khi học bài vẫn đọc vài chục trang sách, tưởng đấy là một phương pháp "thư giãn", tôi hỏi lại mới biết: "Bài tập về nhà của mình đấy, hết tuần này phải đọc xong, để còn làm bài và thuyết trình trước lớp". Với những tác phẩm có chọn lọc, tôi tin rằng "bài tập về nhà" theo kiểu này sẽ giúp môn văn không còn là "ác mộng" của không ít học sinh như hiện nay.

Văn học = Công thức?

Với cách học văn như hiện tại, ta cũng khó lòng trách cứ các thầy cô. Chương trình học gọi là "giảm tải" nhưng thầy trò "chạy" hụt hơi, hết chính khóa tới tăng tiết mà cũng chỉ vừa đủ, những bài dạng "đọc thêm" trong sách giáo khoa có khi còn chưa kịp đụng tới, giờ đâu ra mà tơ tưởng đến những tác phẩm văn học lớn hay tìm hiểu về xu hướng văn học hiện tại của nước nhà? Đề thi thì bàn tới, bàn lui rồi cũng bàn... lại luẩn quẩn quanh các tác phẩm "trọng điểm", đâu có đời nào trong đề thi đại học lại trích dẫn một đoạn văn hay chưa hề xuất hiện trong sách giáo khoa, nhưng lại đang thuộc dạng "best seller" trên thị trường để thử thách thật sự khả năng "viết văn" của thí sinh, "viết văn" chứ không phải "chép văn"...

Cứ như thế, chuyện dạy - học văn dần dần được "công thức hóa". Thầy cô vì học trò, mà cũng vì chính mình, "áng chừng" phong cách ra đề thi năm bảy năm gần đây, hệ thống lại toàn bộ chương trình học, lược bỏ những bài "chẳng bao giờ thấy ra thi", xoáy sâu vào những bài "xác suất ra đề mấy năm gần đây rất cao". Văn - thơ theo đó được đơn giản hóa thành nhiều "hoa thị, gạch đầu dòng", tương ứng với ý lớn, ý nhỏ, theo "chuẩn" của đáp án. Học trò, ai không thi đại học thì ráng thuộc hết bằng đó gạch đầu dòng rồi đắp chỗ này, thêm chỗ nọ cho đầy bốn mặt của giấy thi, đúng với "đáp án" thì hy vọng ít ra cũng đủ trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp. Ai "lỡ" chọn nhầm ban C, D thì cứ theo sách mẫu, tác giả càng có tên tuổi càng tốt, rồi tự viết đi viết lại theo các "bộ đề" quen thuộc, tới ngày thi thì viết... tiếp, trong vỏn vẹn 3 tiếng có nhiều thí sinh làm một lèo 3 tờ giấy thi 4 mặt, tương đương 12 trang, cánh phóng viên nhìn "năng suất" đó chỉ có nước ngả mũ thán phục!

Với môn Văn theo kiểu "hoa thị, gạch đầu dòng" như thế thì không thể trách vì sao đa số học sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ có khả năng "chép văn" chứ không "viết văn". Cũng trong bối cảnh chung ấy, thí sinh Hoàng Thùy Nhi (*) không hề đáng trách vì về lý em hoàn toàn không gian lận mà chỉ làm theo một "nền nếp" đã quá quen thuộc suốt 12 năm đến trường; về tình, sẽ không quá lời nếu nói rằng Hoàng Thùy Nhi cũng chỉ là một nạn nhân chăm chỉ!

N.N.L.C

(*): Hoàng Thùy Nhi đã đạt điểm 10 môn văn kỳ thi đại học 2006, bài làm của em được trích dẫn lên báo và sau đó gây nhiều tranh cãi vì giống với văn mẫu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.