"Euro 2" và chất lượng xăng dầu: Những "nỗ lực" làm nhỏ đất nước

05/06/2007 01:45 GMT+7

Nhiều chuyên gia đã không "tâm phục khẩu phục" với việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải tương đương với mức Euro 2 đối với ô tô và xe máy (bắt đầu từ 1.7 tới đây), vì tiêu chuẩn này quá lạc hậu so với thế giới. Chấp nhận một bầu không khí dơ bẩn hơn so với khu vực, chấp nhận một ngành công nghiệp không có khả năng xuất khẩu, chúng ta đang tự làm nhỏ đất nước mình.

Thế nhưng ngay cả tiêu chuẩn lạc hậu này cũng bị chính các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm trì hoãn, nếu không muốn nói là phá hoại, để tiếp tục duy trì tình trạng lạc hậu hơn...

Kỳ 1: Xăng dầu "bẩn" vẫn tràn ngập, bất chấp quyết định của Thủ tướng !

Ngày 10.10.2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 249/2005/QĐ-TTg về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, kể từ 1.7.2007, các loại xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải theo các Tiêu chuẩn Việt Nam tương đương với mức Euro 2. Riêng xe cơ giới đã qua sử dụng được áp dụng từ 1.7.2006 và ô tô tham gia giao thông được áp dụng từ 1.7.2006 đến 1.7.2008 tùy địa bàn. Phải thừa nhận đây là một bước ngoặt quan trọng, là một tiền đề để xây dựng ngành công nghiệp ô tô trong nước và là một nỗ lực để giảm khí thải độc hại trong môi trường.

Nhưng trong khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng Euro 4 và đang chuẩn bị áp dụng Euro 5 vào năm tới, thì rõ ràng tiêu chuẩn mà ta "sắp sửa" áp dụng là quá lạc hậu. Những tác hại của việc "tự hạ thấp mình" này chúng tôi sẽ phân tích ở phần sau. Bài này xin nói ngay đến những mưu toan vô hiệu hóa quyết định của Chính phủ mà người dân bình thường không hề biết đến. Đó là việc gian lận trong nhập khẩu và lưu hành xăng dầu.

Giới chuyên môn đều biết, chất lượng xăng dầu là một trong những điều kiện bắt buộc để áp dụng tiêu chuẩn giảm khí thải. Vì vậy mà Thủ tướng Chính phủ, trong quyết định số 50/2006/QĐ-TT, ngày 7.3.2006, về ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, có quy định xăng dầu lưu hành trên thị trường và nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn mới: xăng không chì, áp dụng TCVN 6776-2005; dầu Diesel áp dụng TCVN 5689-2005. Đây là chủng loại xăng dầu tương thích với các phương tiện cơ giới được áp dụng tiêu chuẩn Euro 2. Trong đó hàm lượng lưu huỳnh (sulfur) trong xăng không vượt quá 500 mg/kg (ký hiệu 0.05%S hoặc 500 ppm), thấp hơn 3 lần tiêu chuẩn cũ. Hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel cũng vậy, không vượt quá 500 mg/kg đối với loại dùng cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thấp hơn 5 lần tiêu chuẩn cũ) và không vượt quá 2.500 mg/kg đối với loại dùng cho công nghiệp. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, nghĩa là từ năm 2006 đã phải áp dụng chủng loại xăng dầu này.

Thế nhưng, Quyết định của Thủ tướng lập tức đã không được chấp hành đúng thời hạn. Vì lý do gì chúng tôi chưa biết nhưng chắc chắn là không chính đáng, thời hạn áp dụng đã được cho phép lùi lại đến ngày 1.1.2007 theo đề nghị của Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Thương mại. Điều đó có nghĩa là việc áp dụng Euro 2 tại thời điểm 1.7.2006 dành cho một số phương tiện và một số địa phương theo lộ trình ghi trong quyết định 249/2005/QĐ-TTg coi như thất bại.

Chưa hết, ngày 26.2.2007, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi thư đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thương mại, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Bức thư nêu rõ: 

"... Dựa trên các quy định và tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành, kể từ ngày 1.1.2007 sẽ có 2 loại nhiên liệu diesel được phép lưu hành dựa trên hàm lượng lưu huỳnh là loại 500 ppm (500 mg/kg) lưu huỳnh dành cho các phương tiện cơ giới và loại 2500 ppm (2500 mg/kg) lưu huỳnh dành cho sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên tính tới nay là tháng 2 năm 2007, nhiên liệu diesel được bán tại các trạm xăng dầu vẫn chỉ là loại có hàm lượng lưu huỳnh rất cao, ít nhất là 2500 ppm. Từ phía Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, chúng tôi xin được bày tỏ sự quan ngại đối với loại dầu diesel có chất lượng thấp này có thể sẽ gây ra những hư hại đối với động cơ cũng như làm tăng khí thải.

Dựa trên Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 10 năm 2005 về việc phê duyệt lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí xả Euro 2 đối với xe cơ giới sản xuất mới từ ngày 1 tháng 7 năm 2007 và đối với xe đang sản xuất từ ngày 1 tháng 7 năm 2008, Công văn số 1997/VPCP-KG ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề nghị của Bộ Khoa học, Công nghệ và Bộ Thương mại cho phép áp dụng tiêu chuẩn TCVN 6776-2005 và TCVN 5689-2005 kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2007, tất cả các thành viên VAMA đã giới thiệu hoặc đã lên kế hoạch để trang bị các động cơ Euro 2 (hoặc cao hơn) cho các mẫu xe mới hoặc đang sản xuất của mình. Những loại động cơ này chỉ có thể đạt được khả năng vận hành tối ưu và khí xả thấp khi sử dụng loại nhiên liệu có chất lượng tương đương với Euro 2 (hàm lượng lưu huỳnh nhỏ hơn 500 ppm) hoặc cao hơn. Những loại nhiên liệu có chất lượng thấp có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng không chỉ đối với nhà sản xuất mà cả đối với khách hàng.

Do đó, chúng tôi rất mong Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ làm rõ vấn đề này và thực hiện các biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 2 càng sớm càng tốt, tạo điều kiện để các thành viên VAMA thực hiện tốt lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí xả Euro 2 dựa trên Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ".

Đến ngày hôm qua, 4.6.2007, tức là gần 4 tháng sau khi có phản ứng của VAMA, theo quan sát của chúng tôi trên thị trường xăng dầu TP.HCM, tình trạng trên vẫn không có gì thay đổi. Xăng cũng trong tình trạng tương tự. 

Cần biết, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel dùng cho xe cơ giới đường bộ ở Nhật Bản, Hồng Kông, Liên minh châu u chỉ có 10 mg/kg; ở Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore từ 30 đến 50 mg/kg... Với sự lưu hành thực tế hiện nay (2.500 mg/kg), hàm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel của Việt Nam cao gấp từ 50 đến 250 lần các nước và vùng lãnh thổ nói trên. Ở các nước khác như  Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ (350 mg/kg)... thì hàm lượng lưu huỳnh diesel "hiện hành" ở Việt Nam cũng cao gấp nhiều lần. Có người gọi xăng dầu ở Việt Nam thuộc loại "bẩn nhất thế giới",  điều đó là không sai, nhưng giá bán cho người tiêu dùng thì lại không chịu kém xăng dầu sạch...

Tác hại của lưu huỳnh trong xăng dầu

Sự có mặt của hàm lượng lưu huỳnh cao trong xăng hay dầu diesel sẽ làm giảm tuổi thọ của hệ thống xử lý khí thải và đồng thời sản phẩm từ sự đốt cháy lưu huỳnh trong buồng đốt là SO2. SO2 là chất khí không màu, mùi gắt, làm tổn thương niêm mạc trong đường hô hấp và mắt. 95% SO2 được thải vào môi trường và qua sự đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Tính chất của SO2 phát sinh từ đốt cháy nhiên liệu:

SO2 -----Ánh sáng mặt trời + Hơi nước------> H2SO4
SO2 -----oxy hóa OH, HO2RO2 -----------------> H2SO4
NH3 + H2SO3  ------ O---------------->      NH4+ SO4

Hơi của NH4 và H2SO4 làm biến đổi tế bào phổi và gây ra ung thư phổi.

Nguồn: Theo tài liệu của Tổng cục Môi trường CHLB Đức

Hoàng Hải Vân

(Còn tiếp)

Kỳ sau: Bộ Thương mại ráo riết bảo vệ lợi ích cho ai ? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.