Học làm báo trên đất Thái

20/06/2007 14:49 GMT+7

Buổi chiều cuối tháng 5, bãi biển Patong trên đảo Phuket thấp thoáng những chiếc áo trắng với dòng chữ IMMF lăng xăng phỏng vấn du khách nước ngoài, người dân địa phương, nhân viên cứu hộ… về quá trình phục hồi sau thảm họa sóng thần 2004. Đó là một trong những lần đi thực tế thú vị với chúng tôi - những phóng viên trẻ có dịp tham gia khóa đào tạo tường thuật về thiên tai do Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF) tổ chức ngay trên đất Thái.

Những bài học ngoài giáo trình

Bài học mà hầu hết 16 phóng viên trẻ đến từ Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam và Campuchia thuộc nằm lòng hơn 30 ngày "lang thang" từ Bangkok đến Phuket, Khao Lak là chữ "tâm" khi phỏng vấn những người chịu ảnh hưởng hay mất mát bởi thảm họa thiên nhiên như sóng thần. "Phải rất cẩn trọng từng lời nói, cử chỉ để người được phỏng vấn không cảm thấy khó khăn và tổn thương khi khơi lại nỗi đau hay mất mát. Hãy mở lòng và đồng cảm bằng cả trái tim trước những nỗi đau đó - khi ấy bạn mới thực thi công việc của một nhà báo đúng nghĩa" - 2 giảng viên cũng là 2 nhà báo Anh và Mỹ dày dạn kinh nghiệm Graham Watt và Jeff Hodson cứ nhắc đi, nhắc lại "kim chỉ nam" dành cho những cuộc phỏng vấn nhạy cảm.

Thậm chí trước khi đi thực tế, các phóng viên phải chia nhau nhập vai những người trong cuộc (play role) để cảm nhận tâm lý và chuẩn bị xoay sở với những tình huống phát sinh. Những ví dụ được đưa ra như: người mẹ hoảng loạn tìm con mình mất tích sau một vụ lở đất; một em bé mất cha mẹ trong vụ cháy lớn, người vợ góa chồng sau sóng thần... buộc các thành viên tham gia phải "động não" tìm cách phỏng vấn thích hợp để thu thập thông tin. Từ kinh nghiệm trên, các thành viên sẽ áp dụng vào thực tế khi tiếp cận những nạn nhân sau thảm họa sóng thần 2004.

"Thật xúc động khi thấy người mẹ rơm rớm nước mắt nhắc đến cậu con trai 13 tuổi bị sóng thần cuốn đi. Lúc đó chúng tôi cảm thấy nhói lòng và không muốn xoáy thêm vào vết thương ấy nên tìm cách lái câu chuyện theo hướng khác và quay lại lúc thích hợp", Heang và Jay - 2 phóng viên từ Campuchia, Myanmar chia sẻ sau khi trở về từ Trung tâm Saori, nơi cưu mang và dạy nghề cho những phụ nữ chịu mất mát sau thảm họa.

Trong khi đó, chúng tôi lại không quên chuyến thực tế đến cộng đồng lao động nhập cư Myanmar ở Khao Lak để phỏng vấn những người chịu thiệt thòi nhiều nhất trước và sau thảm họa nhưng vốn bị báo chí "bỏ quên". Trong số đó có những người không có giấy phép lao động, những phụ nữ và trẻ em sống cun cút trong mái ấm tạm thời với mong ước tìm thấy một tương lai tươi sáng hơn. "Hãy nói thay những người không thể cất lên tiếng nói" - đó là bài học đáng nhớ thứ hai mà 2 giảng viên nhắn nhủ.

Thú vị hơn cả là buổi giao lưu với Trưởng đại diện Hãng thông tấn AP tại Thái Lan - nhà báo Denis D.Gray cùng phóng viên ảnh David Longstreath - để được chia sẻ kinh nghiệm về những lần "xông pha" tường thuật trận sóng thần lịch sử năm 2004 ở Thái Lan, động đất ở Ấn Độ - Pakistan năm 2005, trận lũ lịch sử ở Bangladesh năm 1998 và cả lần cận kề hiểm nguy khi làm phóng viên chiến trường tại Iraq hay Afghanistan... Tất cả được đúc kết ngắn gọn trong câu nói: "Luôn trong tư thế chuẩn bị và sẵn sàng dấn thân để có được những câu chuyện hay".

Và học hỏi lẫn nhau

Không chỉ học từ những nhà báo giàu kinh nghiệm, những phóng viên còn có dịp học hỏi những kinh nghiệm làm báo từ các nước bạn thông qua những buổi thuyết trình hay thảo luận nhóm. Những phóng viên trẻ từ Myanmar khiến bạn bè các nước quan tâm khi thuyết trình về điều kiện hành nghề đầy thách thức với chế độ kiểm duyệt báo chí gắt gao, dù đa số báo ở đây là của tư nhân.

Thường 20% số bài được kiểm duyệt sẽ bị cắt bỏ và được thay thế bằng những bài báo khác. Tuy nhiên, các phóng viên vẫn đeo bám và viết bài bằng tất cả nhiệt tình dù đôi lúc bài báo không đến tay bạn đọc đầy đủ và thông tin nguội hơn vì chủ yếu là báo tuần. Mặt khác, tất cả đều tự học các kỹ năng làm báo vì ở Myanmar không có một trường đào tạo nghề báo chuyên nghiệp.

Trong khi phóng viên Anchalee của tờ Bangkok Post để lại nhiều ấn tượng với các thành viên vì hầu như suốt khóa học, tình hình bất ổn chính trị ở Thái Lan luôn được chị cập nhật mỗi ngày và giải thích từng chi tiết để mọi người hiểu rõ hơn. Hay lần thiền sư Thích Nhất Hạnh có bài thuyết giảng về hòa bình tại Công viên Lumpini, Anchalee nhiệt tình dẫn chúng tôi đi nghe, dù "cuốc bộ" hàng cây số giữa trời nắng nóng. Đến nơi, được chứng kiến hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều tín đồ là người châu u ngồi yên lặng nghe bài giảng của thiền sư, những người Việt như chúng tôi cảm thấy thật tự hào và thầm cảm ơn sự nhiệt tình của phóng viên nước bạn.

Khóa học chỉ hơn 1 tháng, nhưng những người trẻ như chúng tôi học hỏi được khá nhiều điều, nhất là cách ứng phó nhanh khi tác nghiệp những vấn đề thời sự hay phải trích dẫn y nguyên 100% ý kiến của người được phỏng vấn dù là VIP hay dân lao động, không thể thay đổi từ ngữ hay thứ tự phát ngôn - điều mà khá nhiều phóng viên trong khu vực dễ sơ suất... Hơn 1 tháng cũng đủ đọng lại những kỷ niệm khó quên và cảm giác tự tin, thấy mình vững vàng và có trách nhiệm với ngòi bút nhiều hơn nữa!

Nhà báo Denis D.Gray - Trưởng đại diện Hãng thông tấn AP tại Bangkok (Thái Lan):

Xây dựng cơ sở dữ liệu làm nền tảng

* Theo ông, các phóng viên trong khu vực Đông Nam Á muốn tác nghiệp hiệu quả hơn thì cần trang bị thêm những gì?

- Điều quan trọng với các phóng viên và những tờ báo lớn trong khu vực Đông Nam Á hiện nay là xây dựng được một cơ sở dữ liệu hiệu quả ngay tại tòa soạn để mỗi khi có sự kiện gì xảy ra, phóng viên có mặt tại hiện trường để lấy những thông tin nóng, quan trọng và tường thuật ngay tại chỗ qua điện thoại. Khi đó, những đồng nghiệp ở nhà có thể khai thác cơ sở dữ liệu có sẵn liên quan đến sự kiện đó để  giúp viết thành một bài tường thuật tròn trịa. Cách này giúp phóng viên đưa tin nhanh hơn và dành nhiều thời gian để "đào sâu" những câu chuyện xoay quanh hay diễn tiến khác liên quan đến sự kiện.

Đây là cách mà các  phóng viên AP "cắm" khắp nơi trên thế giới đang áp dụng để tường thuật những sự kiện "nóng" chỉ trong thời gian rất ngắn. Chẳng hạn khi sóng thần 2004 xảy ra, cơ sở dữ liệu về thảm họa sóng thần trước đây, những thông tin về các quốc gia liên quan, địa chỉ của các chuyên gia... đều có sẵn và dễ dàng chia sẻ, nhờ đó chúng tôi có thể đưa tin chỉ nửa giờ sau khi thảm họa xảy ra và khai thác những câu chuyện đắt giá khác ngay sau đó. Cũng nhờ cơ sở dữ liệu hiệu quả  này mà tôi có thể lần ra và theo chân  một góa phụ người Đức trở lại Phuket để viết bài 1 năm sau đó.

* Nhưng phải mất bao lâu để xây dựng được cơ sở dữ liệu hiệu quả  và bản thân phóng viên phải tác nghiệp ra sao để không "ỷ lại" cơ sở dữ liệu đó?

- Không thể đưa ra khoảng thời gian cố định 2 hay 3 năm mà tùy theo điều kiện, mỗi  tờ báo có thể xây dựng cơ sở dữ liệu trên nhanh hơn hay chậm hơn. Song nên bắt đầu ngay từ bây giờ bằng cách thu thập tất cả những dữ liệu liên quan đến từng lĩnh vực mà mỗi phóng viên phụ trách  và quản lý một cách khoa học bằng các phần mềm vi tính hỗ trợ.

Riêng phóng viên ngoài đưa tin nhanh trên cơ sở dữ liệu có sẵn cũng phải tham gia mở rộng cơ sở dữ liệu ấy bằng cách xông xáo tìm ra những thông tin mới lạ khác hay những câu chuyện lay động người đọc. Và quan trọng hơn hết là hãy đồng cảm với những số phận con người qua từng trang viết của chính bạn!

Ông Denis D.Gray

Lê Hân - Vân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.