Các công trình xây dựng tại TP.HCM: Dân khổ vì nhà thầu vô trách nhiệm!

27/06/2007 23:50 GMT+7

Lâu nay, chuyện nhà thầu thi công các công trình giao thông, cấp thoát nước làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân đã xảy ra khá phổ biến trên địa bàn TP.HCM. Thậm chí, đã có trường hợp thi công làm lún, nứt nhà dân trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Mới đây, người dân ở Q.2, Q.5, Q.6 lại tiếp tục kêu khổ về chuyện nhà thầu thi công thiếu trách nhiệm, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, ngập nước, hư hỏng đường giao thông và nhà dân.

Sinh hoạt khó khăn, buôn bán ế ẩm

Từ tháng 1.2007 cho đến nay, nhà thầu đã cho dựng rào chắn gần hết lòng đường An Dương Vương (đoạn từ giao lộ Trần Bình Trọng đến Lê Hồng Phong, Q.5). Xe cộ chỉ được đi lại 1 chiều ở phần đường chật hẹp còn lại, nên ùn tắc xảy ra thường xuyên.

Cũng trên đoạn đường này, nhà thầu sau khi đào đường thi công đã chừa lại 2 cái hố sâu nước ngập rất nguy hiểm. Người dân cho biết cái hố trước nhà số 361 đã gây ra hàng chục vụ tai nạn cho người đi đường, có người bị gãy tay, chấn thương đầu. Ngoài ra khu vực này còn thường xuyên bị ngập, ô nhiễm do hệ thống cống thoát nước bị nhà thầu thi công làm tắc nghẽn.

Sáng 26.6, chúng tôi ghi nhận tại công trường rộng lớn này chỉ có hơn 10 công nhân đang thi công với tiến độ chậm chạp. Đây là công trình cống thoát nước thuộc gói thầu D, dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Theo thông báo của Sở Giao thông - Công chính TP.HCM, thời gian phân luồng giao thông  phục vụ thi công công trình này kéo dài đến ngày 23.5.2007.

Vậy mà tới nay đường vẫn còn rào, công trình vẫn ngổn ngang, hàng loạt cửa hàng kinh doanh tại khu vực này bị ế ẩm. Nhiều nhà dân trong khu vực công trường cũng không có lối ra vào. Mỗi khi qua lại trên vỉa hè gần khu vực công trường để vào nhà mình, mỗi người phải "khai báo" địa chỉ nhà với lực lượng bảo vệ (chốt gần giao lộ An Dương Vương - Trần Bình Trọng) thì mới được cho qua. Ban ngày đoạn đường này không được phép đi lại.

Bác Đoàn Thị Bích Vân, chủ cửa hàng tân dược số 314 An Dương Vương (P.4, Q.5) bức xúc: "Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, gia đình tôi buôn bán ế ẩm vì đường bị cấm lưu thông. Trước kia, mỗi ngày doanh thu nhà thuốc gần 2 triệu đồng thì 6-7 tháng nay bán không tới 400 nghìn đồng/ngày vì khách không vào được, chỉ bán cho những nhà bên cạnh hoặc khách quen".

Những hộ buôn bán nệm da, phụ tùng ô tô... dọc con đường này cũng than trời chuyện đường phố bị rào chắn như "lô cốt" khiến cho việc kinh doanh bị đình trệ. Một số cửa hàng vì quá ế buộc phải đóng cửa hoặc dời đến nơi khác. Ông Lê Quang Vinh, nhà số 378 An Dương Vương, bức xúc: "Thật vô lý khi nhiều vị trí rào chắn đã hơn 2 tháng mà vẫn chưa thấy thi công, trong khi dân không có lối đi. Sao họ không làm dứt điểm theo từng đoạn? ".

14 căn nhà có nguy cơ sập

Chúng tôi có mặt tại khu vực cầu Ông Cậy, thuộc địa phận ấp Cây Bàng 1 và 2, P.Thủ Thiêm (Q.2) vào chiều ngày 26.6 khi trời mưa tầm tã. Ở khu vực này, có ít nhất 14 căn nhà bị lún nền, từng mảng tường bị xé toạc. Do nước xoáy, một số căn đã bị sạt lở gần hết phần móng, chỉ còn trơ trọi vài trụ bê tông hoặc cừ tràm, nguy cơ sụp đổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Bức tường nhà số 14/9 ấp Cây Bàng 1 bị xé toạc

Căn nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (số 14/11 ấp Cây Bàng 1) gần như nằm giữa dòng nước đang cuồn cuộn chảy từ rạch Ông Cậy xuống sông Sài Gòn. Chị Trinh không cầm được nước mắt, cho biết: "Bà con sống ở đây gần 40 năm nay không việc gì. Nhưng từ ngày họ thi công làm đường đến nay, không đêm nào tôi ngủ yên vì nơm nớp lo sợ nhà sập trôi sông". 

Theo báo cáo của UBND P.Thủ Thiêm (Q.2), khu vực nhà ở của các hộ dân nói trên nằm dọc hai bên công trình xây dựng miệng hầm Thủ Thiêm (đoạn giáp sông Sài Gòn). Tình trạng nhà dân bị lún, nứt xảy ra khi nhà thầu thi công (Công ty Obayashi - Nhật Bản) tiến hành khoan cọc. UBND P.Thủ Thiêm cho biết mặc dù từ đầu tháng 1.2007, Công ty Obayashi cùng Phòng Quản lý đô thị Q.2 và UBND phường đã tiến hành khảo sát những hộ có nhà bị lún, nứt nhưng đến nay đã hơn 5 tháng mà vẫn không có đơn vị nào đứng ra khắc phục hư hỏng tại các căn nhà nêu trên.

Ngủ cũng phải mang khẩu trang!

Đó là khu vực P.10, Q.6, nơi đang thi công dự án đại lộ Đông Tây. Có mặt tại UBND phường vào sáng 26.6, bà tổ trưởng Tổ dân phố 7 nói: "Từ trước tới nay, chưa bao giờ chúng tôi chịu cảnh ngập nước, ô nhiễm như vậy. Chúng tôi phải mang ủng múc từng xô nước sình trong nhà đổ đi. Đêm ngủ lại phải mang khẩu trang, vì mùi hôi không chịu được. Mà ngủ cũng không được, vì tiếng ồn của xe tải chở vật liệu chạy suốt đêm, bóp kèn inh ỏi... Dân đồng tình với việc thực hiện dự án này, nhưng thi công cũng phải làm sao để cho dân sống được chứ! Người dân chúng tôi hỏi những người chỉ huy công trường, thì người này chỉ người kia, không ai có trách nhiệm giải quyết các bức xúc của dân...".
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM tỏ vẻ ngạc nhiên khi cả nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn giám sát ở công trình Đại lộ Đông - Tây đều tầm cỡ quốc tế mà lại để xảy ra những chuyện ảnh hưởng như vậy. Ông Hoàng nói: "Những chuyện như xe vận chuyển vật liệu để đất đá rơi vãi ra đường, bóp còi inh ỏi, hay chuyện thi công gây ngập nước nhà dân là hoàn toàn có thể khắc phục ngay được". Ông Hoàng đề nghị trong vòng 10 ngày, các đơn vị có liên quan phải khắc phục ngay những ảnh hưởng đến dân, đồng thời cơ quan chức năng phải có biện pháp chế tài đối với các đơn vị vi phạm.

UBND Q.6 cũng đã có nhiều văn bản phản ảnh vấn đề này, nhưng không có sự phản hồi từ phía Ban quản lý dự án. Báo cáo trước các cơ quan chức năng và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM ngày 26.6, ông Phùng Văn Phú, Chủ tịch UBND P.10, Q.6 đã nêu lên 2 vấn đề bức xúc của người dân kể từ khi dự án đại lộ Đông - Tây triển khai thi công trên địa bàn phường.

Đó là chuyện các phương tiện vận chuyển vật liệu thi công đã làm rơi vãi đất, bùn lầy trên các tuyến đường: Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Văn Luông, Bình Phú. Nhiều người dân đã bị té do sình lầy làm trượt bánh xe khi đi xe trên các tuyến đường này. Gần đây nhất là xe vận chuyển vật liệu đã làm bể và sụp nắp hố ga tại đầu hẻm 19 Nguyễn Văn Luông, nhưng không thấy người có trách nhiệm nào đến sửa chữa, thay thế. Chuyện bức xúc thứ hai là thi công gây tiếng ồn, đồng thời nước sình tràn vào nhà dân. Ảnh hưởng này lan rộng ra cả thảy 7 tổ dân phố trong phường, với gần 350 hộ dân sinh sống.

Sáng 26.6, Ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công đã được mời tới UBND P.10, Q.6 để trả lời những bức xúc của dân. Đại diện nhà thầu thi công (OPJV - Nhật Bản) hứa từ nay trở về sau không còn để ảnh hưởng đến dân nữa và xin người dân thông cảm cho.

Mai Vọng - Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.