Chất vấn tại HĐND TP Hà Nội: Nhà siêu mỏng, siêu méo làm 'nóng' nghị trường

12/07/2007 12:44 GMT+7

Phiên chất vấn sáng nay (12.7) được mở màn bằng một đoạn video của đài PT-TH Hà Nội về những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, kích thước và kiến trúc nhôm nhoam ở hai bên đường vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Đoạn Video vừa chấm dứt, không khí hội trường nóng lên với hàng loạt câu hỏi chất vất dành cho Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tô Anh Tuấn...

"Tái "chất vấn

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tô Anh Tuấn bị hàng loạt các đại biểu chất vấn vì trả lời câu hỏi chất vấn có sẵn trong danh mục "vì sao vẫn tồn tại dạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn TP"  lại thiếu hẳn phương án giải quyết tình trạng lộn xộn trong kiến trúc đô thị này. Ông Tuấn liền đưa ra 4 giải pháp:

Thứ nhất là TP phải triệt để thực hiện phương châm mở đường và quy hoạch xây dựng luôn những tuyến phố hai bên, không để dạng nhà siêu méo này có cơ hội "lách" vào.

Thứ hai là phải xác định rõ những mảnh đất sau khi GPMB có thể nảy sinh dạng nhà


Đại biểu Ngô Văn Ny  đang chất vấn về nhà siêu mỏng, siêu méo. (Ảnh P.L)

này để ngăn ngừa, có biện pháp ngay từ đầu.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, vận động phải tích cực, hiệu quả khi "chẳng may" những nhà này đã xuất hiện, đề nghị họ hợp khối nhiều với nhau hoặc chuyển nhượng cho nhau để xây dựng lại.

Giải pháp cuối cùng ông Tuấn đưa là TP sẽ tiến hành thu hồi với những trường hợp cố tình không hợp tác.

Ông Tuấn thừa nhận TP chưa có nhiều trách nhiệm trong công tác quản lý cũng như chưa xử lý kịp thời những trường hợp làm biến dạng "bộ mặt" Hà Nội như thế này.

Đại biểu Ngô Văn Ny quyết liệt tiếp lời: "Phần chất vấn của đồng chí Tuấn đúng ra là tái chất vấn. Xin thưa là đúng một năm trước, trong kỳ họp thứ 7, tháng 7.2006, chúng tôi đã hỏi ông câu hỏi về nhà siêu mỏng, siêu méo này. Vậy một năm trời TP đã làm được những gì?".

Đại biểu Ny cho rằng, giải quyết vấn đề này không đến nỗi quá khó khăn. Ông đề xuất UBND TP nên có quy định hoặc nếu cần thì HĐND TP sẽ ra nghị quyết về diện tích báo nhiêu thì các nhà ở hai bên mặt đường được phép xây dựng.

Trả lời 3 câu hỏi rất chi tiết của đại biểu Bùi Thị An, ông Tuấn đều "né" trách nhiệm. Đại biểu An hỏi hiện nay TP có bao nhiêu nhà siêu mỏng, ông Tuấn trả lời rằng chưa có số liệu cụ thể. Trả lời câu hỏi nhà cao tầng sai phép ở Hà Nội có cương quyết "cắt" đúng số tầng hay không? Ông trả lời đó là trách nhiệm của Sở Xây dựng. Đại biểu An chỉ cụ thể nhà số 226 đường Bưởi không chịu GPMG khiến cho cả đoạn kè sông Tô Lịch bị đình trệ. Ông Tuấn cho biết đã chỉ đạo quận Cầu Giấy giải quyết, trách nhiệm thuộc về quận Cầu Giấy.

Đại biểu Trần Trọng Hanh hỏi vì sao việc triển khai "chọn từ 1 - 2 tuyến phố sẽ mở trong nội thành để xây dựng thí điểm trong 1 - 2 năm, tạo hình mẫu về tuyến phố mới" theo Nghị quyết kỳ họp thứ 7, tháng 7.2006 của HĐND TP lại chưa được thực hiện?

Ông Tuấn trả lời, việc thực hiện chủ trương mở đường và tạo phố TP đã mong muốn thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng vẫn đang mắc ở những tuyến phố nằm sâu trong nội thành đông dân cư không giải quyết được vì cơ chế chính sách chưa đầy đủ để dự kiến những tình huống có thể xảy ra. Nếu chúng ta đặt ra những chính sách cho những hộ bị thu hồi đất hai bên đường là tái định cư. Điều kiện sống tái định cư phải tốt hơn thì dân mới đồng ý. "Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để làm được những điều đó".

Ông Tuấn kết thúc phần chất vấn của mình bằng câu nói chung chung này.

Không trả lời được cách giải quyết lãi suất 91 tỉ đồng trái phiếu cầu Vĩnh Tuy?

Câu hỏi chất vấn HĐND TP đề nghị UBND TP trả lời: "Vì sao cầu Vĩnh Tuy theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 2.2007, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân chậm tiến độ? Bao giờ hoàn thành? Kinh phí phát sinh do chậm tiến độ thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?".


Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Triệu Đình Phúc đã không trả lời được nhiều câu hỏi của đại biểu.( Ảnh P.L) 

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Triệu Đình Phúc được UBND TP giao trách nhiệm trả lời. Theo văn bản ông Phúc đọc, nguyên nhân chậm trễ cầu Vĩnh Tuy là do cơ chế chính sách có nhiều thay đổi, hệ thống luật tháng 12.2005 khác hiện nay, gây khó khăn cho chủ đầu tư. Lý do thứ 2 là năng lực tài chính của nhà thầu. Lý do khách quan là trận lũ to trên sông Hồng trong năm 2006 khiến công trường phải ngừng thi công. "Quý 2 năm 2008 cầu sẽ hoàn thành", ông Phúc khẳng định.

Đại biểu Phạm Thị Loan hỏi về năng lực tài chính của các nhà thầu: "Các nhà thầu chủ yếu của Bộ Giao thông Vận tải, đã giải ngân được 1.700 tỉ đồng. Biện pháp thế nào để các nhà thầu xử lý tài chính cho đúng? Tổng dự toán của cầu Vĩnh Tuy là 3.500 tỉ đồng, 2.012 tỉ ngân sách T.Ư, còn lại ngân sách TP do phát hành trái phiếu, mỗi năm TP sẽ phải trả lãi suất 91 tỉ đồng, ai sẽ phải chịu về phí phụ thêm đó? Trượt giá về sắt thép, trong vòng một năm rưỡi thì trượt giá sẽ rất cao. Thực tế tổng dự toán giờ đây sẽ là bao nhiêu? Chi phí cho Ban Quản lý, Ban Chỉ đạo dự án sẽ tăng lên bao nhiêu?"

Câu hỏi của đại biểu Vũ Đức Tân không chỉ hỏi riêng ông Phúc mà khiến cả nghị trường cùng phải suy nghĩ. "Tại sao chúng ta lại thông qua dự án cầu Vĩnh Tuy? Cầu Vĩnh Tuy theo tổng dự toán 3.500 tỉ đồng mà cầu Thanh Trì chỉ 1.600 tỉ đồng. Hai cầu chỉ cách nhau khoảng nửa cây số, cùng đổ ra đường 5. Nếu chúng ta làm cầu Nhật Tân trước thì chắc chắn sẽ giảm kinh phí này. Cầu Vĩnh Tuy chúng ta đã vay tiền của dân. Khi chúng ta quyết chúng ta đã tính kỹ chưa? Chúng ta phải rút kinh nghiệm!" 

Ông Triệu Đình Phúc trả lời câu hỏi của đại biểu Loan rằng sẽ xử lý vi phạm nhà thầu theo hợp đồng, theo Nghị định 53 của Chính phủ về phạt chủ đầu tư, phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Ông Phúc nói chung chung rằng sẽ xử lý tất cả chậm trễ theo hợp đồng, "chúng tôi sẽ rà soát kỹ lại hợp đồng".

Về 91 tỉ đồng lãi suất trái phiếu trong dân, ông Phúc không trả lời được.

Tại sao lại thông qua cầu Vĩnh Tuy? Ông Phúc trả lời: "Muốn giải trình được phải có 1 tập tài liệu. Lý do quan trọng nhất là bức xúc về giao thông trong đô thị. Nếu so sánh với các cầu khác thì chúng tôi xin trả lời bên ngoài hội trường. Sẽ có số liệu chi tiết cho các đại biểu".

Đại biểu Nguyễn Văn Trịnh trả lời "hộ" ông Phúc khi đại biểu Tân so sánh cầu Vĩnh Tuy với cầu Thanh Trì. Ông Trịnh cho biết cầu Thanh Trì khi khánh thành thì quyết toán đến 7.000 tỉ đồng chứ không phải số liệu mà đại biểu Tân bức xúc.

Đại biểu Tân tiếp tục có ý kiến: "Người dân Hà Nội ai cũng mong có rất nhiều cầu nhưng chúng ta có ít tiền nên phải làm bài toán. Chúng ta bảo giải quyết vấn đề giao thông mà lại xây dựng hai cầu liền kề nhau. Tại sao không xây dựng cầu Nhật Tân trước?".

Ông Phúc cho biết ngay về cầu Nhật Tân: "Cầu Nhật Tân đang chậm nhưng do lý do  từ Bộ Giao thông Vận tải, sẽ phải chậm đến năm 2012".

Còn ba đại biểu đăng ký chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Triệu Đình Phúc nhưng phiên họp buổi sáng đã hết thời gian. Chủ tọa kỳ họp đề nghị ông Phúc trả lời ngay bằng văn bản cho ba đại biểu này.

Buổi chiều, dự kiến nghị trường sẽ còn "nóng" hơn nữa với các vấn đề chất vấn trên các lĩnh vực thanh công vụ, kết quả cải tạo chung cư cũ, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý quảng cáo, vũ trường.

Phương Liên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.