"Tìm lại ngày xưa đã mất..."

30/01/2008 22:23 GMT+7

Rất nhiều nhạc sĩ đã viết về phố cổ Hội An (Quảng Nam), nhưng hiếm có ca khúc nào lại được nhiều người thuộc và hát nhiều như Đêm hội phố Hoài của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái.

Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2001 dành cho ca khúc này đánh dấu một mốc son trong chặng đường sáng tác của một nhạc sĩ, nhưng đối với anh, có một giải thưởng lớn hơn - đó là ca khúc đã trở thành máu thịt của người dân phố Hội. Và mỗi khi giai điệu bài hát ngân lên, lòng người lại dâng trào một nỗi niềm khó tả...

Đêm hội phố Hoài  - Nhạc: Nguyễn Duy Khoái; Ca sĩ: Duy Dũng:

Nếu xét riêng về mặt ca từ thì đó là một bài thơ hoàn chỉnh, đọc lên, thấy trong thơ ngân lên tiếng nhạc, màu sắc sống động như một bức tranh. Bức tranh đó có con đường nhỏ, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, ánh trăng, ngọn đèn khuya và hoa vàng trên bến sông... Cái tài tình của Nguyễn Duy Khoái là bức tranh đó không thể nhầm lẫn với một nơi nào khác ngoài phố cổ Hội An.


Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái  - ảnh: N.T.Thịnh

Nguyễn Duy Khoái kể rằng, hồi đó anh thường đi thực tế ở các huyện miền núi Quảng Nam. Sau những chuyến đi như vậy, bao giờ anh cũng trở về Hội An, như tìm đến một chốn yên tĩnh để suy nghĩ về những gì mình đã viết và sẽ viết. Vì thế, Hội An đối với anh không chỉ là một kỷ niệm, mà còn có cả một tình cảm sâu đậm. Những con đường, dòng sông, phố chợ..., những con người phố Hội, tình cảm chân tình của bạn bè đã để lại trong anh dấu ấn không thể nào quên. Anh luôn tâm niệm phải viết một cái gì đó để tri ân miền đất này.

Trong một đêm trăng rằm, anh đã đi lang thang trên những con đường nhỏ, loanh quanh trong phố xưa nhà cổ, đi đâu cũng một màu trong vắt hồn phố xưa (lời trong bài hát). Sau khi dừng lại bên bến sông Hoài thì cảm xúc dâng trào, những giai điệu đầu tiên cất lên từ đó: Tìm lại ngày xưa đã mất/Bến sông Hoài tôi về chiều nay/Lắng nghe hoa vàng rụng ven sông/Ngày xưa đã qua, qua rồi...

Đoạn A, trong âm hưởng, tiết tấu rộn ràng của một lễ hội truyền thống, ta như nghe tiếng vọng đều đều của bước chân thời gian. Ở đó, tưởng như ngày xưa đã mất, nhưng nó vẫn hiển hiện quanh đây, qua màu xanh trong vắt hồn phố xưa mà bất kỳ ai cũng cảm nhận được. Trong khi đoạn B của ca khúc trở nên xao động không chỉ bằng âm nhạc mà còn bằng các ca từ đối xứng nhau, gợi lên hình ảnh đặc trưng của một đêm phố cổ: Vẫn tiếng đàn ai ngân trong vườn khuya/Tiếng guốc khua trên con đường gầy/Mái chùa cong, vầng trăng trong, câu thơ nghiêng chén...

***

Nhiều năm nay, du khách đến Hội An không ai là không nghe ca khúc đó. Nhất là mỗi mùa lễ hội du lịch, bài hát ấy lại vang lên khiến lòng người rạo rực. Có lẽ, trong các bài "địa phương ca", Đêm hội phố Hoài của Nguyễn Duy Khoái là được yêu thích nhất, được hát nhiều nhất.

Một lúc nào đó, nếu có dịp dự Đêm rằm phố Hội, khi cả đô thị cổ tắt đèn, chỉ còn ánh trăng cùng ngọn nến mờ ảo, đâu đó vang lên câu hát Mái chùa cong, vầng trăng trong, câu thơ nghiêng chén..., ta sẽ cảm nhận được nhịp thở của người xưa phập phồng trong từng lớp rêu phong và như tìm lại được ngày xưa đã mất...

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.