Nở rộ phụ phí ngân hàng

26/05/2008 00:17 GMT+7

Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế mới điều hành lãi suất có nhiều nội dung, nhưng nội dung quan trọng nhất là lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản đã được sử dụng làm "đòn xoay" các loại lãi suất khác, từ lãi suất đầu vào (lãi suất huy động) đến lãi suất đầu ra (lãi suất cho vay); trần lãi suất huy động bị dỡ bỏ, lãi suất cho vay được khống chế bằng quy định của Bộ luật Dân sự (không được quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố).

Như vậy, mức lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước quy định hiện nay (12%) đã cơ bản "trung hòa" được cả ba yêu cầu: người gửi tiền đỡ bị thiệt, tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện, lạm phát do yếu tố tiền tệ được kiềm chế một bước.

Sau một tuần quyết định trên có hiệu lực, những động thái của thị trường tiền tệ đã có những diễn biến tích cực. Lãi suất huy động đã được nâng lên, có dấu hiệu của cuộc đua trong những ngày đầu, nhưng nay đã xoay quanh mức 14- 14,5%/năm. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, có một số vấn đề mới nảy sinh, đó là tình trạng nở rộ phí phụ thu của các ngân hàng thương mại khi cung cấp các khoản vốn vay cho khách hàng. Theo các ngân hàng thương mại, sở dĩ phải phụ thu phí bởi chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động hiện thấp, không đủ để trang trải các chi phí như thuê mặt bằng, trả lương nhân viên... Đó là chưa kể số tiền bị "nhốt" bởi tỷ lệ dự trữ bắt buộc 11%, số tiền mua tín phiếu bắt buộc chỉ được hưởng lãi suất thấp,... Ở một số ngân hàng thương mại, phí phụ thu bao gồm khoảng bốn khoản phí: thu xếp vốn, cấp hạn mức, quản lý hồ sơ, thẩm định tài sản. Mức phí phụ thu tùy theo ngân hàng, nhưng trên thực tế đã thực hiện hoặc dự kiến thực hiện, thì phổ biến ở mức trên dưới 2,5%/năm.

Có hai vấn đề đặt ra. Trước hết sẽ xuất hiện tình trạng nhìn nhau giữa các ngân hàng thương mại để đưa ra mức phí phụ thu. Thứ hai là nếu cộng thêm phí phụ thu, thì lãi suất cho vay sẽ cao hơn 18% (nếu phụ phí phổ biến ở mức 2,5%/năm, thì lãi suất cho vay sẽ lên đến 20,5%), là mức khá cao so với hiệu quả hoạt động chung của các doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giá thành, giá bán trong chu kỳ sau.

Có thể có hai cách giải quyết đối với phụ thu phí cho vay. Cách thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước cần có chế tài cụ thể đối với mức phí phụ thu để bảo đảm mức lãi suất cho vay không quá cao. Cách thứ hai là tiến tới nâng lãi suất cơ bản lên một chút (chẳng hạn 13%) để mở cả hai đầu (lãi suất huy động và lãi suất cho vay) trong điều kiện lạm phát vẫn còn rất cao, để tránh lạm phát cả năm 2008 sẽ vượt quá mức 20%.

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.