Thoái hóa khớp - bệnh lý thường gặp

11/06/2008 14:27 GMT+7

Cũng như các bộ phận khác của cơ thể, xương khớp rồi cũng sẽ lão hóa theo thời gian, nhất là sau lứa tuổi 40. Thoái hóa khớp là bệnh lý rất thường gặp một khi chúng ta có tuổi.

Thường xảy ra sau tuổi mãn kinh

Một số bệnh lý có liên quan đến tuổi tác, mà thế giới phải đối đầu với nó, đó là các bệnh: tim mạch, chuyển hóa, tiểu đường, ung thư, đột quỵ, thoái hóa khớp... Tại hội thảo khoa học về Chiến lược điều trị đau trong bệnh lý cơ xương khớp do Hội Thấp khớp học TP.HCM phối hợp cùng Công ty Boehriger Ingelheim tổ chức tại TP.HCM cuối tháng 5 vừa qua, báo cáo của tiến sĩ Lê Anh Thư - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho biết: Đời sống ngày càng phát triển, tuổi thọ con người ngày càng cao, nên số người có tuổi ngày càng nhiều, do vậy một số bệnh thường xảy ra ở người có tuổi, trong đó có bệnh thoái hóa khớp. Căn bệnh này làm ảnh hưởng đến 10-15% dân số thế giới. Tại Việt Nam, số người có tuổi chiếm khoảng 7% dân số (với gần 6 triệu người), trong đó phụ nữ có tuổi chiếm 60%.

Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp nhất ở xương khớp (chiếm 30-35% trong các bệnh xương khớp). Phần lớn bệnh hay gặp ở phụ nữ bước vào thời điểm sau tuổi mãn kinh. Có một số đặc điểm chung ở người bệnh thoái hóa khớp mà qua thực tế các bác sĩ đã ghi nhận lại, đó là: bệnh tăng dần theo tuổi; có nhiều bệnh mãn tính kèm theo (như: bệnh lý dạ dày - tá tràng; bệnh tim mạch; bệnh gan, thận...); đã (hoặc đang) sử dụng nhiều loại thuốc; thường người bệnh vào viện do một bệnh lý khác...). 90% trường hợp phải phẫu thuật để thay khớp gối và khớp háng là do mắc bệnh thoái hóa khớp. Thoái hóa khớp là nguyên nhân thứ 4 gây tàn phế cho người.

Có 2 loại thoái hóa khớp là thoái hóa nguyên phát và thoái hóa thứ phát. Nguyên phát đó là những thay đổi ở khớp theo tuổi, mang tính quy luật. Còn thoái hóa thứ phát là những yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa nguyên phát; là do các bất thường bẩm sinh và mắc phải về cấu trúc của xương khớp; các bệnh lý viêm khớp (như: viêm khớp vô căn ở thiếu niên; viêm khớp dạng thấp; bệnh gout; viêm cột sống dính khớp; viêm khớp do vi khuẩn...); chấn thương cấp và mãn tính (do thể thao, nghề nghiệp, sinh hoạt); các bệnh lý nội tiết, chuyển hóa; quá tải khớp (do nghề nghiệp, cơ địa).

Tránh ngồi xổm, ngồi bó gối

Theo trình bày của tiến sĩ Lê Anh Thư, triệu chứng thường gặp ở những người thoái hóa khớp là: đau lúc vận động, nghỉ ngơi thì bớt đau; các khớp bị cứng và tầm vận động bị hạn chế; khi cử động khớp thì nghe có tiếng lạo xạo; khớp bị sưng, các đầu xương phì đại; vẹo cột sống và lệch trục khớp... Việc điều trị cho những người thoái hóa khớp là nhằm loại trừ các yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp, giúp giảm đau cho người bệnh, và giữ gìn, duy trì chức năng vận động của khớp, làm chậm tiến trình thoái hóa. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, các phương pháp không dùng thuốc hỗ trợ cần thiết trong điều trị đó là, duy trì nếp sống năng động, dinh dưỡng đầy đủ: chế độ ăn đa dạng, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp, tránh để cơ thể dư cân, béo phì, cần thay đổi những thói quen xấu làm tăng áp lực lên sụn khớp trong lúc lao động hay sinh hoạt; cần chữa trị sớm các dị tật bẩm sinh của hệ thống vận động, các bệnh lý ở khớp; các phương pháp y học cổ truyền, châm cứu, xoa bóp... cũng là những phương pháp điều trị hỗ trợ trong bệnh lý thoái hóa khớp.

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, cần tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và làm việc hằng ngày (như: ngồi xổm, ngồi bó gối); cần tập thể dục, vận động xương khớp sau mỗi giờ lao động; tránh làm các động tác quá mạnh, quá đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng; tập thể dục đều đặn, vừa sức, không làm tăng áp lực lên khớp - tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ, tập dưỡng sinh...

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.