Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước

14/01/2009 00:43 GMT+7

Chiều 13.1, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) đã hoàn thành chương trình đề ra. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu quan trọng. Thanh Niên xin trân trọng trích đăng (tít do Thanh Niên đặt).

...Từ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X trong nửa đầu nhiệm kỳ, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý báu: Trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp, yêu cầu phát triển ổn định, vững chắc của đất nước đòi hỏi phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phải dựa vào nội lực, phát huy nội lực là chủ yếu, đồng thời tranh thủ ngoại lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh tế và xã hội. Phải quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng đúng với vai trò then chốt của công tác này.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển, chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp lớn đã được Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các nghị quyết T.Ư, kết luận của Bộ Chính trị (khóa X) đề ra, trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Về kinh tế, phải xây dựng và thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Cải thiện môi trường kinh tế, đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và văn hóa, y tế, xã hội, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiến hành cải cách giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X), coi trọng cả ba mặt dạy chữ, dạy nghề và dạy làm người, đặc biệt là coi trọng giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống. Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý và chính sách phát triển khoa học - công nghệ; gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh, giáo dục - đào tạo, phát triển thị trường khoa học - công nghệ, phát huy dân chủ trong nghiên cứu khoa học.

Thực hiện tốt nhiệm vụ tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Chú ý cải thiện đời sống cho công nhân ở các khu công nghiệp, hỗ trợ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Phát triển và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ cơ sở đến T.Ư. Tích cực phòng bệnh, phòng dịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin; phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Tăng cường lãnh đạo, quản lý, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản; chống sự xâm nhập các sản phẩm độc hại, phản văn hóa, phản động, gây phương hại tư tưởng, đạo đức xã hội.

Về bảo vệ tài nguyên, môi trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, có các chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các vi phạm. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các chương trình, dự án đầu tư.

Tăng cường công tác điều tra cơ bản, bao gồm cả tài nguyên và môi trường biển; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao các nguồn tài nguyên, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững cả cho trước mắt và lâu dài...; chủ động triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu; có biện pháp tích cực hạn chế thiệt hại ở những vùng thường xảy ra thiên tai.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phải tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Chăm lo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong các chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, an ninh, đối ngoại.

Làm tốt nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho nhân dân một cách phù hợp, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố "thế trận lòng dân", xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, đối phó kịp thời, thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về những thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Chủ động phát hiện từ xa, từ sớm và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.

Tăng cường công tác bảo vệ Đảng và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, kết hợp với chống âm mưu "diễn biến hòa bình" và xử lý biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, tận tụy phục vụ nhân dân.

Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, đưa các mối quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác, phù hợp yêu cầu và lợi ích đất nước ta.

Tiếp tục thực hiện các chủ trương, biện pháp tích cực để xác định đường biên giới trên bộ, trên không, trên biển, thềm lục địa, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Thực hiện tốt chính sách với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát huy dân chủ xã hội, phải tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và của cả hệ thống chính trị; đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, tăng cường dân chủ, nâng cao chất lượng công tác cán bộ...

Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Kết luận Hội nghị T.Ư 9 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ; tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa X) về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.

Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp có căn cứ khoa học những vấn đề lớn thực tiễn đất nước đang đặt ra; tập trung vào tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991 và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XI với chất lượng cao; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sắc bén, sức thuyết phục của công tác tư tưởng.

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Xây dựng chiến lược công tác kiểm tra, giám sát từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quốc hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách tư pháp.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Phát huy dân chủ, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh...

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.